Đoàn doanh nghiệp do Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, làm Trưởng đoàn. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Evans Knapper; đại diện lãnh đạo của hơn 60 quỹ đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu Mỹ tham dự cuộc gặp.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… là trụ cột quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam thực hiện 3 cùng là "cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển"; đồng thời có 3 đảm bảo là "đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định, phát triển", "đảm bảo ổn định chính trị, trật trự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh", "đảm bảo ổn định chính sách, an ninh năng lượng và hệ sinh thái chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số… tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp".
Nêu mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Mỹ nói chung và các doanh nghiệp Mỹ nói riêng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trên; đồng thời cùng ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân như: Biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên… trong bối cảnh Việt Nam còn những khó khăn do một thời gian dài phải khắc phục hậu quả chiến tranh, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, khả năng chống chịu với các "cú sốc" từ bên ngoài có hạn.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius và đại diện các doanh nghiệp Mỹ chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong những năm vừa qua; đánh giá cao môi trường đầu tư và bày tỏ biết ơn về sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp Mỹ nói riêng; cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ôtô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch...
Các doanh nghiệp cũng thông báo những dự án đầu tư mới, như Pepsi sẽ đầu tư 2 nhà máy mới hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo gồm nhà máy sản xuất thực phẩm tại Hà Nam (trị giá 90 triệu USD) và nhà máy sản xuất đồ uống tại Long An (hơn 300 triệu USD).
Các doanh nghiệp Mỹ đề xuất Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các vấn đề liên quan cấp phép đầu tư, giấy phép lao động và visa; có cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế trong một số lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển giao thông xanh, giảm phát thải carbon, chuyển đổi năng lượng; phát triển hạ tầng, logistics… để doanh nghiệp Mỹ đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Sau khi các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan trao đổi, phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp thành viên của USABC, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp USABC; yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến trả lời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thủ tướng cho rằng có 3 điều hơn qua cuộc làm việc, đó là "chia sẻ, thông cảm, tin cậy nhau hơn", "cam kết hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn" và "có trách nhiệm với nhau nhiều hơn".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế; hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực.
Để phối hợp triển khai Kế hoạch hành động thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ thực chất, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp của USABC có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ ưu tiên thúc đẩy sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng đầu tư tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nhất là công nghệ cao phục vụ các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và làm mới các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; góp ý, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế và năng lực quản trị thông minh, hiện đại, tiên tiến; hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển thời kỳ mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng thời gian tới khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể, với những sản phẩm cụ thể, hiệu quả cụ thể, có lợi cho cả hai bên, góp phần thúc đẩy, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Mỹ đang trên đà phát triển.
Bình luận (0)