Sáng 1-1-2024, tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành; lãnh đạo 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng nhà đầu tư, đã bấm nút khởi công Khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1.
Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT theo quyết định số 1629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng).
Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026.
Làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với tinh thần chiến thắng Đông Khê
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần bày tỏ sự vui mừng được tham dự sự kiện trọng đại của tỉnh Cao Bằng trong không khí phấn khởi của ngày đầu tiên của năm mới 2024.
Thủ tướng đánh giá dự án cao tốc này có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đây cũng là ước vọng nhiều đời nay của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh.
Lễ khởi công càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.
Huyện Thạch An cũng là nơi mà cách đây hơn 73 năm đã diễn ra chiến thắng Đông Khê - chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới để cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu.
Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Thủ tướng nêu rõ, việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, để triển khai dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể.
Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan tiếp tục tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, "3 ca 4 kíp", chỉ bàn tiến, không bàn lùi; bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, không vượt tổng mức đầu tư, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng dự án đi qua.
Thủ tướng đề nghị xây dựng tuyến đường này với tinh thần chiến thắng Đông Khê, phấn đấu cuối năm 2025, đầu năm 2026 phải thông xe toàn tuyến.
Nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng 3 vấn đề
Tại sự kiện, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo cả, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT làm đầu mối để cùng các Bộ ngành, các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ một số nội dung.
Cụ thể, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành giao thông hợp tác, học tập các mô hình của doanh nghiệp quốc tế là Nhật Bản, Trung Quốc... về các công nghệ lõi của ngành giao thông sẽ phải triển khai trong thời gian tới nhằm đón bắt cơ hội phát triển doanh nghiệp như metro, đường sắt, cầu dây văng, dây võng, thí nghiệm đặc thù… để tiếp nhận việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong quá trình hợp tác.
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ thông qua mô hình hợp tác của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo là các Trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhằm chuẩn bị kiến thức và con người sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ đột phá để doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu các công việc đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Cuối cùng là tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số đồng bộ không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các đối tác, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý và ban ngành chuyên môn để nhất quán và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời tổ chức đánh giá để qua đó điều chỉnh tiêu chuẩn, quy định pháp luật phù hợp để có hành lang pháp lý tạo sự minh bạch trong quản lý đầu tư, thi công.
Bình luận (0)