Chiều 13-1, tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ghi nhận, cảm ơn những kết quả đáng khích lệ, những đóng góp của EVN vào vào thành tựu, kết quả chung của cả nước năm 2023.
Cụ thể là những kết quả trong sản xuất và cung ứng điện, xử lý tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc; đầu tư xây dựng; công tác dịch vụ khách hàng và tiết kiệm điện; cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo; thực hiện các chỉ tiêu kỹ thuật; các chỉ tiêu tài chính; công tác quản trị; làm tốt công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng biểu dương việc khởi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với tinh thần chỉ bàn tiến, không bàn lùi, "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên tết.
Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ hoạt động của EVN còn một số khó khăn, thách thức, hạn chế, như năm 2023 vẫn để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ. Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng chưa đạt mục tiêu kế hoạch, một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong EVN bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Từ những tồn tại đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động EVN trên từng cương vị công tác của mình tự rà soát, đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm và chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế để đạt thành tích tốt hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Khó khăn của EVN chỉ mang tính sự cố, tình thế
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là mang tính hệ thống. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, không lơ là, chủ quan, không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, để vượt qua khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cũng yêu cầu tái cấu trúc tập đoàn theo quy luật thị trường, cân đối được tài chính, đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục được những hạn chế, yếu kém. Đồng thời, chú trọng phát triển những lĩnh vực mới nổi, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý EVN cần chủ động, làm tốt công tác dự báo nhu cầu điện, khai thác hiệu quả các nguồn điện bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định, trong đó có việc huy động các dự án điện tái tạo và tính toán nhập khẩu điện phục vụ nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, phải rút kinh nghiệm sự cố năm 2023, không được để lúc cao điểm nắng nóng lại xảy ra sự cố nhiều nhất. Phấn đấu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch-Phố Nối chậm nhất vào tháng 6-2024.
Bên cạnh đó, EVN phải tập trung hoàn thiện xây dựng và thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; không để lãng phí nguồn năng lượng mặt trời và gió.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng nêu rõ tập đoàn cơ cấu lại tài chính, đảm bảo cân bằng tài chính, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến với các đề xuất liên quan sửa đổi Quyết định 24/QĐ-TTg về về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng quy định về các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của EVN, Thủ tướng cho rằng đây đều là những vấn đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo báo cáo của EVN tại buổi làm việc, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tập đoàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt trên 280 tỉ kWh, tăng trên 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỉ kWh, tăng 3,5%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80.000 MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30.000 MW, chiếm trên 37%.
EVN tích cực và quyết liệt triển khai đầu tư các dự án với giá trị khối lượng đầu tư toàn tập đoàn đạt 90.997 tỉ đồng. EVN hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước 21.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)