Sáng nay 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2-2024.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung quan trọng (6 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng pháp luật và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh).
Cụ thể, 6 dự án luật được thảo luận gồm: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
4 đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu khai mạc phiên họp, nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi tới đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế lời cảm ơn, lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng mong đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "thầy thuốc như mẹ hiền", đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Năm 2024, ngay trong những ngày đầu năm, chúng ta đã và đang nỗ lực, khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đột phá về thể chế tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng các dự án luật, các đề nghị xây dựng pháp luật thì chỉ lấy ý kiến một lần các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, nếu còn ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng phụ trách chủ trì triệu tập cuộc họp với các bộ, cơ quan để xử lý ngay.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần chuẩn bị, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để thi hành ngay sau khi các luật có hiệu lực.
Với tinh thần "khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch, công khai, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá, để các đối tượng thực thi, tuân thủ pháp luật yên tâm thực hiện.
Bình luận (0)