Chiều 30-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam. Hội nghị có chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".
300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, trong đó có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinhSeed, nêu câu hỏi: Hiện nay sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; điều này đã cản trở việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong thời gian qua, một số địa phương (trong đó có Thái Bình) đã hình thành các câu lạc bộ đại điền, hướng đến sản xuất lớn.
"Xin hỏi Thủ tướng, có cơ chế, chính sách gì hỗ trợ, khuyến khích phát triển những mô hình liên kết hướng đến sản xuất lớn vừa mới hình thành như ở Thái Bình không?".
Trả lời câu hỏi của ông Trần Mạnh Báo, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã góp ý để đưa vào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc công nhận việc cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp. Ở đâu cũng vậy, có người cần thuê đất, có người có đất không dùng nhưng không muốn bán, nếu có thị trường sẽ gặp nhau khi thông qua Luật Đất đai. Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phê duyệt chính sách về thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Đối với vấn đề đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cần rà soát lại cơ chế, chính sách, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi). Nếu luật được thông qua tới đây, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền.
Nông dân mong được tiếp cận vốn lớn
Đặt câu hỏi tới Thủ tướng, ông Nguyễn Hồng Quyết, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 của tỉnh Bình Dương, cho rằng hiện nay chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng/hộ. Trong khi nhiều hộ nông dân sản xuất với diện tích lớn tới hàng chục, hàng trăm ha, cần nhu cầu vốn hàng tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ cho người nông dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng bản chất của người nông dân thật thà, chân thành. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt trong tiếp cận vốn với người nông dân.
"Có được vốn thì giàu lên, không có đồng vốn nghèo suốt đời. Phải giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng phải đúng địa chỉ và hiệu quả"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)