Chiều 25-12, Viện Sức khỏe tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhiều lần muốn tự sát vì mắc phải căn bệnh tâm thần rối loạn sự thích ứng.
Đó là bệnh nhân nam Đ.H.H. (30 tuổi ở Mỹ, Hà Nội). Trước khi nhập viện, anh H. là người sống hòa đồng, vui vẻ và có sức khỏe hoàn toàn bình thường. Cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân tham gia chơi lan đột biến, sau đó bị thua lỗ hơn 20 tỉ đồng.
Sau biến cố này, bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn chán, lo lắng, mệt mỏi, thất vọng về bản thân. Bệnh nhân cũng không muốn làm việc, không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai, chỉ ở trong phòng một mình. Thậm chí, nhiều lần bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ để tự tử, được người nhà phát hiện đưa vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi cơ thể ổn định, bệnh nhân được chuyển tới Viện Sức khỏe tâm thần điều trị tiếp.
Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân được người nhà phát hiện sử dụng dao nhọn để cắt tay, vết thương chảy nhiều máu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân bị rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài.
Tiến sĩ - bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết các triệu chứng của rối loạn sự thích ứng bắt đầu trong vòng 3 tháng kể từ khi tác nhân gây căng thẳng xuất hiện. Stress được xem là nhân tố tác động trực tiếp của rối loạn sự thích ứng.
"Không chỉ có những người gặp các vấn đề khó khăn, mất mát trong cuộc sống, mà bệnh nhân rối loạn sự thích ứng có cả những người có con cái thành đạt, chẳng hạn con đi du học, bố mẹ không chịu nổi việc phải xa con. Có những bệnh nhân là thanh thiếu niên do phải di chuyển môi trường sống liên tục theo sự thay đổi công việc của bố mẹ và không thích ứng được"- bác sĩ Tâm nói.
Tỉ lệ mắc bệnh rối loạn sự thích ứng ước tính từ 2 đến 8% dân số nói chung. Trong đó, phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này gấp đôi nam giới. Các rối loạn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên.
Nhận biết rối loạn sự thích ứng thế nào?
Theo bác sĩ Tâm, rối loạn sự thích ứng có các dấu hiệu như bệnh trầm cảm và lo âu: mất hứng thú, mệt mỏi; mất lòng tin hoặc sự tự trọng; cảm thấy tội lỗi và tự hủy hoại hoặc tự sát… Bên cạnh đó còn có các biểu hiện như: hồi hộp, vã mồ hôi, run, khô miệng, khó thở, đau và khó chịu ở ngực, buồn nôn và khó chịu ở bụng; giật mình, khó tập trung hoặc "đầu óc trở nên trống rỗng", cáu kỉnh dai dẳng.
Trẻ bị rối loạn sự thích ứng thường xuyên cáu giận trầm trọng, hay cãi người lớn; cố tình làm những việc gây khó chịu cho người khác; đổ lỗi cho người khác; có thái độ ác ý và hận thù, nói dối, không giữ lời hứa, tránh né nghĩa vụ… Một số ít có nguy cơ tự sát
Các chuyên gia khuyến cáo, khi có các biểu hiện lâm sàng của bệnh như triệu chứng trầm cảm (mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác, có hành vi tự sát…); lo âu, thường xuyên cáu giận, đổ lỗi cho người khác, có thái độ hận thù…, nên được đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
"Đa số người bị rối loạn sự thích ứng cần phải điều trị, gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược hoặc cả hai. Tuy nhiên, tâm lý trị liệu vẫn là phương pháp điều trị chính"- bác sĩ Tâm lưu ý.
Bình luận (0)