Ngày 8-12, tại TP Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội Thủy sản Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Sáng kiến Tài chính Đa dạng sinh học (BIOFIN) tổ chức buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan với cộng đồng ngư dân và các hội đoàn thủy sản, nghề cá.
Nguồn thủy sản ven bờ dần cạn kiệt
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đi thực tế tại đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Tại đây, người dân đảo Bích Đầm cho biết là đảo xa nên người dân chủ yếu mưu sinh với nghề đánh bắt hải sản gần bờ, sử dụng tàu nhỏ và đang đối phó việc nguồn lợi thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, người dân mong được đóng thuyền lớn để vươn khơi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị ngư dân xem xét kỹ trước khi quyết định vay vốn đóng tàu, đặc biệt khả năng trả lãi vay. "Người dân cần chủ động chuyển đổi nghề phù hợp. Khu vực này có văn hóa, lịch sử, thiên nhiên trong lành có thể khai thác thủy sản kết hợp với du lịch, qua đó nâng cao đời sống" - Bộ trưởng gợi mở.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự cuộc đối thoại với các sở, ngành, tổ chức, ngư dân các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản không phải là vô tận nếu khai thác mà không đi đôi với bảo tồn, bảo vệ và phát triển. Bộ trưởng cho rằng ngư dân cần chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng để có sinh kế bền vững.
Ngư dân Cao Văn Thơ, chủ tàu cá KH99789TS ở Khánh Hòa, nói đến việc ngư dân đang khó khăn vì sản lượng tụt giảm, ngư trường bị cạnh tranh… Ngư dân đi biển luôn lo lắng vì không bán được cá do dính thẻ vàng theo quy định IUU (truy xuất nguồn gốc, chống khai thác bất hợp pháp). Điều này khiến ngư dân đi biển thường xuyên thua lỗ. Tình trạng bán tàu cá đang rất phổ biển ở Khánh Hòa.
Cần chính sách đồng bộ
Để giải bài toán khó khăn này, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), đã giới thiệu mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp (DN) và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh. Nhà nước tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng cơ bản. Còn chợ đầu mối là nơi tập trung và kết nối với nguyên tắc "bán giùm", "mua giùm" sao cho cả bên mua - bán được lợi. Chợ chỉ nhận hoa hồng theo quy định công khai, không có hình thức mua đứt bán đoạn, đầu nậu/chủ vựa thao túng, điều hành giá cả. Đơn vị vận hành chợ đầu mối là DN, ban quản lý, hợp tác xã (HTX) sẽ ký hợp đồng với chính quyền. Sau đó, chia ra nhóm người mua gồm người mua sỉ thì sản lượng lớn, giá thấp, phải cam kết mua hết sản phẩm cá của mỗi tàu. Người mua lẻ chỉ được mua lại hàng của nhóm bán sỉ. Nhóm người bán (ngư dân) phải là thành viên chính thức (có góp vốn) của tổ chức cộng đồng hay thành viên liên kết. Nhóm này có thể đăng ký nhiều chợ nhưng chỉ được bán tại 1 chợ trong 1 tháng; ngoài ra, phải đăng ký ngư trường khai thác, thông tin tàu để cộng đồng quản lý về IUU.
Ở Việt Nam, một trong những mô hình đồng quản lý được thành lập sớm nhất là ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) với sự hỗ trợ của UNDP và vẫn còn hoạt động cho đến nay. Thành công tại Hàm Thuận Nam được đánh giá là nhờ vào sự triển khai bài bản theo Luật Thủy sản; xây dựng các cơ chế phối hợp; phương án khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi; phương án phát triển sinh kế, thành lập quỹ tổ cộng đồng và quỹ quay vòng phát triển sinh kế. Tỉnh Khánh Hòa cũng công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) theo đúng Luật Thủy sản năm 2017.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng sự thiếu vắng nghề cá có trách nhiệm, không duy trì được nguồn lợi thủy sản và không bảo vệ được môi trường sống thì sẽ không có nghề cá bền vững và ngư dân sẽ tiếp tục nghèo khó. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường, có thể gọi là tam ngư thì mới phát huy được sức mạnh của ngư dân và nghề cá trong tương lai, bảo vệ được ngư trường và chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. "Nhà nước và ngư dân "cùng làm, cùng hưởng", các bên cùng bảo tồn thiên nhiên biển và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển đã thiết lập, ngăn ngừa đánh bắt cá bất hợp pháp thì sớm phục hồi nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá bền vững" - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất.
Phát triển nghề cá dựa vào sức dân
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đồng quản lý sẽ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu tăng cường hơn nữa cơ chế vận hành hiệu quả, với sự đóng góp về kỹ thuật và tài chính từ các cơ quan nhà nước lẫn khối tư nhân tại địa phương để tiếp tục mang lại những kết quả hữu hình, góp phần phát triển nghề cá lớn mạnh dựa vào sức dân, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và với các thế hệ mai sau.
Bình luận (0)