Chuỗi sự kiện ngành công thương phía Nam đang diễn ra tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là cơ hội để các địa phương vùng ĐBSCL và cả khu vực nói chung tăng cường liên kết, hợp tác, thúc đẩy giao thương, nâng cao giá trị thương hiệu
Hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc sắc, tiêu biểu từ nhiều tỉnh, thành trong nước đã có mặt tại "đảo ngọc" Phú Quốc, tạo nên không khí giao thương sôi động chưa từng có tại địa phương. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2024, được tổ chức song song với Hội nghị ngành Công Thương các địa phương khu vực phía Nam, cùng diễn ra tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến ngày 16-10.
Sản phẩm nào cũng "độc, lạ"
Với quy mô 350 gian hàng, các mặt hàng trưng bày tại hội chợ lần này ở Phú Quốc là những sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc sắc, tiêu biểu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc nhiều lĩnh vực như: thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; phụ tùng máy móc, thiết bị...
Tất cả sản phẩm trưng bày đều được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Bên cạnh sản phẩm trứ danh của các địa phương, tại sự kiện này còn xuất hiện không ít sản phẩm mới lạ. Trong đó, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều mang đến hội chợ tất cả sản phẩm tinh túy nhất của từng địa phương.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu ra mắt, các sản phẩm công nghiệp nông thôn thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan mua sắm. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng săn tìm sản phẩm để đưa vào siêu thị.
Bà Dương Mỹ Châu, ngụ TP Phú Quốc, cho biết mấy ngày qua, vợ chồng bà đã khảo sát hàng trăm gian hàng nhằm tìm sản phẩm ưng ý để ký hợp đồng, sắp tới sẽ mở một siêu thị đặc sản tại địa phương. "Chúng tôi đã có mặt ở hội chợ mấy ngày qua, phải công nhận các sản phẩm đều rất cuốn hút, rất khó lựa chọn. Sản phẩm nào cũng "độc, lạ" và có chất lượng, độ thẩm mỹ cao. Lần đầu tiên tôi đi một hội chợ với nhiều sản phẩm chất lượng và hấp dẫn như thế" - bà nhận xét.
Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Nam đạt trên 2.400.000 tỉ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 12/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao, hơn cả mức tăng trưởng bình quân của khu vực.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm của khu vực phía Nam ước đạt 108,427 tỉ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ. Trong đó, 19/20 tỉnh, thành tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt gồm: gạo, thủy sản, rau quả, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Bộ Công Thương ghi nhận thời gian qua, một số địa phương đã có những mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Điển hình, tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ; mô hình số hóa dữ liệu bản đồ quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp. TP Cần Thơ tổ chức chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Quảng Ninh đồng thời với việc khai trương đường bay Cần Thơ - Vân Đồn...
![Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 1. Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/10/13/ba-phan-thi-thang-thu-truong-bo-cong-thuong-cung-dai-dien-cac-tinh-thanh-khu-vuc-phia-nam-tham-quan-hoi-cho-trien-lam-cac-san-pham-tieu-bieu-t-17288232218511090191774.jpg)
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng đại diện các tỉnh, thành khu vực phía Nam tham quan hội chợ triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, tổ chức tại Phú Quốc
Sức cạnh tranh còn khiêm tốn
Bộ Công Thương cho biết 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, 6/20 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân của khu vực (10,73%) gồm: Trà Vinh, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre.
Bên cạnh những kết quả khả quan, đại diện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng nêu lên nhiều khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ và phát triển ngành công thương. Theo đó, sản xuất công nghiệp của một số địa phương có mức tăng trưởng chậm, không đều; sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu, không đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.
Ngoài ra, giá cả nhiều nông sản luôn biến động, khiến thu nhập của người dân không ổn định, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn…
Đề cập những khó khăn trong công tác quản lý, ông Đặng Thành Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, dẫn chứng không ít chợ ở địa phương xây dựng chỉ để đáp ứng tiêu chí hạ tầng thương mại trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới; chợ do doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả do chọn địa điểm không thuận lợi giao thương. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều chợ bị bỏ trống. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở ĐBSCL.
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc, các địa phương trong khu vực và cả nước để giúp Kiên Giang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, phát triển thương mại và đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Việc này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và trong thời gian tới của địa phương.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận 9 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương còn tăng chậm, không đồng đều. Các sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu, sức cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn khiêm tốn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận vốn, chi phí nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ xuất khẩu chưa được đầu tư đồng bộ; tiến độ đầu tư, thu hút đầu tư mới vào cụm công nghiệp ở địa phương còn khó khăn...
![Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 2. Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/10/13/e-onedriveghi-baoso-10179-t215nhieu-san-pham-dac-sac-tai-hoi-cho-hang-cong-nghiep-nong-thon-o-phu-quoc-17288232219731823383610.jpg)
Nhiều sản phẩm đặc sắc tại hội chợ hàng công nghiệp nông thôn ở Phú Quốc
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Bà Phan Thị Thắng cho rằng các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần bám sát biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong việc điều hành. Bên cạnh đó, cần rà soát bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch địa phương, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận triển khai các dự án đầu tư. Cần thực hiện hiệu quả, linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng; quản lý, theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm thị trường, không để đứt gãy nguồn cung trong nước.
"Trong việc xuất khẩu, các địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Khi tạo được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước thì sản phẩm bán ra mới có giá trị vượt trội "- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
![Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 3. Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam- Ảnh 3.](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2024/10/13/15-logo-dong-banh-scl-1728823104995189748374.jpg)
Bình luận (0)