Ngay đầu năm 2025, Ngân hàng (NH) TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã phát hành thành công trái phiếu xanh, huy động 3.000 tỉ đồng với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm. Việc phát hành tuân thủ tự nguyện các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA).
Huy động hàng ngàn tỉ đồng
HDBank là NH đầu tiên công bố huy động vốn thành công từ trái phiếu xanh trong năm 2025. Động thái này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn trên thị trường, góp phần kiến tạo nguồn vốn trung - dài hạn cho những dự án có lợi với môi trường và phát triển kinh tế xanh.
Số liệu của FiinRatings cho thấy trong năm 2024, thị trường ghi nhận 4 lô trái phiếu xanh và bền vững của các tổ chức tài chính, phi tài chính phát hành mới với giá trị 6.900 tỉ đồng - chiếm 1,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) mới. Các lô trái phiếu này đều được phát hành trên cơ sở các khung trái phiếu xanh và bền vững được xác nhận độc lập.
Ngoài HDBank, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng phát hành trái phiếu xanh để huy động hàng ngàn tỉ đồng vốn. Trong đó, năm 2024, BIDV phát hành thành công 3.000 tỉ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ Hướng dẫn trái phiếu bền vững của ICMA. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để cho vay đối với những dự án mang lại tác động tích cực cho môi trường và xã hội, trong đó có tài trợ dự án điện gió, xe điện. Chỉ trong 2 năm 2023 - 2024, BIDV đã huy động tổng cộng 5.500 tỉ đồng từ trái phiếu xanh.
Trong khi đó, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn vốn thu từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được giải ngân cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực, gồm: năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông - lâm - thủy sản bền vững và năng lượng hiệu quả.
![Các ngân hàng thương mại gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn. Ảnh: LAM GIANG Các ngân hàng thương mại gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn. Ảnh: LAM GIANG](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/9/10-chot-173910649739942293455.jpg)
Các ngân hàng thương mại gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn. Ảnh: LAM GIANG
Vừa công bố khung trái phiếu xanh được xây dựng phù hợp với nguyên tắc của ICMA, NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) xác định đây là bước đi quan trọng hướng tới phát triển bền vững, hỗ trợ DN và nền kinh tế chuyển đổi theo hướng xanh. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho rằng có khung trái phiếu xanh sẽ bảo đảm nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh được NH sử dụng để tài trợ các dự án đem lại những lợi ích về môi trường.
Một số NH thương mại khác cũng đang xúc tiến xây dựng khung pháp lý để sớm gọi vốn từ việc phát hành trái phiếu xanh. Theo các NH, nguồn vốn từ trái phiếu xanh sẽ được giải ngân cho những DN có dự án xanh, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Lãi suất ưu đãi
Không riêng lĩnh vực NH, một số DN trong lĩnh vực thủy sản, hạ tầng cũng đã huy động được những lô trái phiếu xanh đầu tiên. Việc huy động được nguồn vốn lãi suất thấp từ trái phiếu xanh giúp các DN triển khai dự án đúng tiến độ, giảm chi phí đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Cuối tháng 11-2024, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) huy động thành công 1.000 tỉ đồng từ trái phiếu xanh ở thị trường trong nước, kỳ hạn 8 năm, lãi suất cố định 5,58%/năm. Đây là lô trái phiếu xanh trong lĩnh vực thủy sản đầu tiên ở Việt Nam, được DN dùng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Nhà máy Chế biến thủy sản Mỹ với công suất 120 tấn/ngày, sản lượng cá fillet đông lạnh dự kiến 20.000 tấn/năm.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai chào bán thành công 8.781 trái phiếu, huy động thành công hơn 875 tỉ đồng với thời hạn 20 năm. Lô trái phiếu có lãi suất phát hành 5,75%/năm và đạt tiêu chuẩn trái phiếu xanh của ICMA.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định năm 2025 là bước chạy đà của thị trường trái phiếu xanh cho những năm kế tiếp, theo xu hướng quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã đòi hỏi DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh và áp dụng chứng chỉ carbon để được nhận ưu đãi. Trong khi các DN vừa và nhỏ chưa thể đáp ứng yêu cầu phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn thì DN lớn có thể triển khai trước. "DN vay vốn tín dụng từ nguồn huy động trái phiếu xanh của NH sẽ được hưởng lãi suất thấp và nhiều ưu đãi khác" - ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank, việc công bố khung tài chính bền vững và phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh mà còn giúp huy động nguồn vốn trung - dài hạn để hỗ trợ các dự án mang lại lợi ích môi trường, qua đó đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Chờ thời kỳ nở rộ
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng Phòng Nghiên cứu rủi ro tín dụng và Tài chính bền vững của FiinRatings, thông tin những năm gần đây, các DN dần chủ động xây dựng khung tài chính xanh, khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia này kỳ vọng năm 2025 sẽ mở ra một thời kỳ nở rộ hơn nữa của công cụ trái phiếu xanh khi hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích ngày một rõ ràng và DN đã rút được nhiều kinh nghiệm từ những đợt tổ chức phát hành trước đó.
Theo các chuyên gia, một số chính sách nổi bật dự kiến sẽ được áp dụng giúp thúc đẩy triển vọng phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam gồm: ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN đối với giao dịch liên quan chuyển nhượng trái phiếu xanh; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi trái phiếu xanh; giảm 50% giá dịch vụ chứng khoán đối với nhà phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
Bình luận (0)