xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi

Thanh Nhân - Ngọc Ánh - Lê Thúy - Thái Phương

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 1 triệu DN, thì việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN đóng vai trò then chốt.


Ngần ngại trở thành doanh nghiệp

Hầu hết hộ kinh doanh còn ngần ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp, dù việc này mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của họ và nền kinh tế nói chung

Chuyển đổi hộ sản xuất - kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh) là 1 trong 3 nguồn để phát triển doanh nghiệp (DN), bên cạnh DN mới khởi nghiệp và DN mở rộng quy mô hoạt động. Trong đó, chuyển đổi hộ kinh doanh được đánh giá là giải pháp nhanh nhất, nếu thực hiện thành công.

Quá trình tất yếu

Bà Dương Thị Huệ khởi nghiệp với mô hình hộ kinh doanh đặc sản chả cá thát lát Huệ Dương từ năm 2019, tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Sau 2 năm hoạt động, năm 2021, bà quyết định đưa hộ kinh doanh của mình lên DN, lấy tên là Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn.

"2025 là năm thứ 5, cơ sở sản xuất của tôi hoạt động theo mô hình DN" - bà Huệ cho biết. Lý do bà quyết định chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN là để đưa thương hiệu chả cá thát lát Huệ Dương phát triển bền vững hơn.

Đến nay, chả cá Huệ Dương đã đạt chứng nhận OCOP (Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao, được đưa vào các kênh phân phối hiện đại hàng đầu như: GO!, Lotte, Aeon, WinMart… Quy mô sản xuất được mở rộng khi lên DN, trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường hàng tấn sản phẩm thành phẩm.

"Phát triển lên DN giúp cơ sở hoạt động bài bản về quy trình sản xuất, tài chính minh bạch, tuân thủ thủ tục pháp lý dễ dàng, tiếp cận nguồn vốn lớn nên tương lai và cơ hội rộng mở hơn" - bà Huệ nhận xét.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam hiện có gần 1 triệu DN tư nhân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể (không tính hộ nông dân) hoạt động; đóng góp hơn 50% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). DN tư nhân và hộ kinh doanh đang là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.

Hộ kinh doanh Mười Dũng - một thương hiệu ẩm thực ở huyện Hóc Môn, TP HCM - có tiềm năng trở thành doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC ÁNH

Hộ kinh doanh Mười Dũng - một thương hiệu ẩm thực ở huyện Hóc Môn, TP HCM - có tiềm năng trở thành doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC ÁNH

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên DN là quá trình tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế. Khi chuyển đổi từ hộ kinh đoanh, DN sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa hoạt động; có điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, DN còn có tư cách pháp nhân, có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DN sẽ có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào GDP và ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi giúp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Còn nhiều rào cản

Theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25-3-2025 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030, phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu DN.

Thực tế, không ít hộ kinh doanh vẫn chưa muốn hoặc ngại chuyển đổi lên DN. Dù chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh lên DN đã được quy định chính thức trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 nhưng đến năm 2022, chỉ có khoảng 5.200 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết khu vực kinh tế tư nhân gồm 3 thành phần chính: DN tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã). Trong đó, thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy hộ kinh doanh đóng góp khoảng 23,25% vào GDP.

Theo các số liệu sơ bộ, tỉ lệ DN tồn tại sau 5 năm chuyển đổi từ hộ kinh doanh cao gấp 2 lần so với mức trung bình của DN đăng ký theo Luật DN. Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh nhưng trong đó, chỉ khoảng 2,1 triệu hộ có đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Còn lại, hơn 3 triệu hộ chưa đăng ký kinh doanh và chủ yếu nộp thuế khoán.

Tại Hà Nội, Ban Quản lý chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết khoảng 2.000 hộ kinh doanh đang hoạt động với đủ các mặt hàng, từ quần áo, giày dép, vải vóc đến thực phẩm khô, đồ lưu niệm… Song đến nay, chỉ có... 3 hộ chuyển đổi thành DN. Đại diện Công ty CP Chợ Đồng Xuân cho rằng nhiều hộ kinh doanh tại đây quy mô nhỏ, chủ yếu ở tầm mức gia đình, nếu chuyển đổi lên DN sẽ gặp khó khăn khi tuân thủ quy định về thuế, hóa đơn, nguồn vốn…

Với tiểu thương Nguyễn Hạnh Thu ở chợ Đồng Xuân, lý do hộ kinh doanh của bà chưa chuyển lên DN là vì cảm thấy khó tuân thủ các quy định quản lý. Một số tiểu thương khác thì giải thích thị trường tiêu dùng hiện khó khăn do sức ép từ các kênh online, việc kinh doanh ảm đạm nên họ chưa có nhu cầu chuyển lên DN...

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vita (thương hiệu Vidata, Bình Định - chuyên các sản phẩm khô từ bột gạo cùng rau củ sấy khô như: bánh hỏi, bánh canh, nui…), cho biết trong quá trình rong ruổi các tỉnh, thành miền Trung để tìm mô hình khởi nghiệp, ông nhận thấy ở quê nguyên liệu phong phú, người dân thiếu việc làm. Thế nhưng, do lo ngại mạo hiểm nên ít ai dám thành lập DN để sản xuất, kinh doanh.

"Tại các làng nghề bánh tráng, bánh hỏi…, nhiều hộ đã sản xuất lâu đời, có doanh số lớn, có tiềm năng mở rộng nhưng không tính đến chuyện phát triển hơn. Họ ngại thay đổi, không muốn đăng ký thương hiệu mà chỉ cần bán cho các mối quen, chợ quanh vùng là được" - ông Vũ nhận xét.

Ông Hồ Văn Sang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Trầm Hương Thế Gia (Đà Nẵng) - một nhà bán hàng địa phương tiêu biểu trên TikTok Shop, cho rằng nhiều hộ kinh doanh ở miền Trung mang tâm lý tự vừa lòng với những gì đang có. Họ không có ý định mở rộng, phát triển mô hình sản xuất - kinh doanh của mình...

Kết quả khảo sát "Thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính cho DN năm 2024", do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với một số đơn vị thực hiện, vừa công bố cho thấy những bất cập trong việc thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm với hộ kinh doanh. Một trong những vấn đề nổi bật mà các DN phản ánh là quy trình, thủ tục hành chính khi khởi sự kinh doanh chưa được thực hiện đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương. Đáng chú ý, các DN tham gia khảo sát đánh giá động lực và niềm tin gia nhập thị trường của các DN khởi sự kinh doanh đang sụt giảm... 

Nhiều doanh nghiệp F&B quay lại hộ cá thể

Báo cáo ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) Việt Nam năm 2024 do iPOS vừa công bố cho thấy đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 323.000 cửa hàng F&B hoạt động. Phần lớn trong số đó là hộ kinh doanh cá thể hoặc mô hình chưa chính thức, chủ yếu tập trung ở nhóm quán ăn nhỏ, cà phê vỉa hè, mô hình gia đình.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, ông từng đồng hành cùng nhiều hộ kinh doanh F&B khi chuyển đổi lên DN. "Không ít trường hợp đã quay lại mô hình hộ cá thể vì không kiểm soát nổi sổ sách, phát sinh chi phí quản lý quá lớn, nhất là không đủ kiến thức để vận hành hệ thống DN đúng nghĩa. Đó là thực tế rất đáng lưu tâm" - ông nêu thực trạng.

Ông Thanh cho rằng có 3 lý do khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN. Theo đó, hộ kinh doanh ngại ràng buộc pháp lý và chi phí tăng; chủ hộ muốn duy trì sự ổn định, không có nhu cầu mở rộng và thiếu năng lực quản trị DN. Trong đó, việc thiếu năng lực quản trị DN là nguyên nhân quan trọng nhất khiến hộ kinh doanh bị "ngợp" khi chuyển đổi lên DN nên điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị "nội lực" cho họ.

"Hiện nay, vẫn còn thiếu công cụ hỗ trợ cụ thể để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, nhất là với nhóm hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít, kiến thức hạn chế. Đây là điểm nghẽn cần giải quyết bằng chính sách công và sự tham gia của hệ sinh thái hỗ trợ DN"- chuyên gia này nhìn nhận.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo