Ngày 4-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow chủ đề: "Kiểm định chất lượng đại học: Thực chất hay hình thức?" với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và đại diện các cơ sở giáo dục đại học (ĐH).
Kiểm định gắn với tự chủ - nhưng cần hiểu đúng
Các chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ ĐH gắn với việc kiểm định chất lượng giáo dục. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục - Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐHQG TP HCM, kiểm định chất lượng giáo dục yêu cầu bắt buộc được quy định trong Luật Giáo dục ĐH 2018 và văn bản có liên quan. Đối với cơ sở giáo dục ĐH (gọi chung là trường), khi được chứng nhận kiểm định sẽ có quyền tự chủ trong các hoạt động như đào tạo, tuyển sinh, tài chính, nhân sự… Trong thời gian khá ngắn vừa qua, quyền tự chủ của các trường đã được thực hiện như việc trường bầu hiệu trưởng, bộ chủ quản chỉ công nhận.


Các chuyên gia trao đổi tại chương trình.Ảnh: DUY PHÚ
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho biết Luật Giáo dục ĐH 2018 có 2 vấn đề rất quan trọng là tự chủ và chất lượng. Để thúc đẩy văn hóa chất lượng trong trường ĐH thì chủ trương của nhà nước là gắn 2 vấn đề này vào nhau, nghĩa là các trường sẽ được thực hiện quyền tự chủ khi bảo đảm được những vấn đề liên quan đến chất lượng. Nhờ quy định đó, trong khoảng 5- 7 năm trở lại đây, hầu hết trường đều đi theo lộ trình chất lượng.
TS Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Mạng lưới Bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam - cho biết ở Mỹ, kiểm định không phải là bắt buộc.
Nhưng đối với các trường, họ muốn thực hiện các hoạt động giảng dạy một cách hiệu quả nhất, ví dụ như xây dựng các đề án phát triển cơ sở vật chất hoặc vay vốn ngân hàng để thực hiện đầu tư cho các hoạt động giảng dạy, họ phải thẩm định xem là cơ sở giáo dục đấy có đạt chất lượng hay không; sinh viên tốt nghiệp ở những trường đã được kiểm định chưa…
Vì vậy, muốn hay không, dù nhà nước không quy định là bắt buộc, nhưng họ vẫn phải tự nguyện thực hiện kiểm định.
Tiết kiệm để giảm gánh nặng chi phí
Chia sẻ về chi phí kiểm định chương trình đào tạo, ThS Đàm Đức Tuyền, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết nếu kiểm định chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT thì chi phí từ 460 triệu đến 570 triệu đồng một chương trình, trong đó chi phí cho đánh giá ngoài và kiểm định khoảng 300 triệu đồng một chương trình đào tạo.
Chi phí kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của nước ngoài như ACBSP còn cao hơn. Thông tin thêm về chi phí kiểm định, TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết các trường được lựa chọn các tổ chức kiểm định trong nước hoặc nước ngoài để kiểm định nhưng nhìn chung chi phí cho tổ chức kiểm định nước ngoài sẽ cao hơn do phát sinh phí dịch thuật, phí di chuyển quốc tế, phí thường niên…).
TS Lê Trường Tùng cho rằng trong bối cảnh tự chủ ĐH phải gắn liền với kiểm định thì kiểm định là cần thiết và có lợi cho nhà trường, cho sinh viên… Vấn đề là làm sao để tiết kiệm nhất có thể, có nhất thiết đoàn đánh giá ngoài khi di chuyển phải sử dụng vé hạng thương gia, khách sạn phòng VIP…
Là những người tham gia đoàn kiểm định, các khách mời của chương trình cũng chia sẻ sâu về hoạt động đánh giá ngoài. TS Nguyễn Thị Thu Hà nói thêm rằng trong quá trình kiểm định, từ tiêu chuẩn 1-5, sẽ mời chuyên gia kiểm định là người nắm rõ lĩnh vực, kỹ thuật viên phải là tiến sĩ trong ngành kiểm định đó. Khi đoàn đánh giá ngoài đến kiểm định tại trường phải bảo đảm tính độc lập, khách quan và minh bạch. "Hiện tại, Bộ GD-ĐT có hệ thống thông tin của các giảng viên, khi kiểm định chúng tôi sẽ xem xét trên dữ liệu của Bộ GD- ĐT" - TS Hà khẳng định.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết trước kiểm định khoảng 1 tháng, đoàn đánh giá ngoài đọc hết hồ sơ tự đánh giá của nhà trường đã cung cấp. Sau đó, quá trình khảo sát chính thức thực tế kéo dài từ 4-5 ngày. Một chi tiết rất quan trọng, trước khi nhà trường mời trung tâm kiểm định đến đánh giá thì phải thẩm định báo cáo đánh giá trước, nếu báo cáo không đủ điều kiện sẽ bị trả lại.
Kiểm định chất lượng có thực chất không?
Trước thông tin cho rằng đánh giá ngoài hiện nay chủ yếu dựa vào hồ sơ, giấy tờ chứ chưa quan tâm vào đánh giá thực chất về hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, ThS Tuyền cho rằng nhận định đó không chuẩn xác bởi không chỉ đọc thông tin cùng minh chứng tự đánh giá của trường, đoàn đánh giá ngoài còn khảo sát cơ sở vật chất, phỏng vấn lãnh đạo nhà trường, giảng viên, doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp…
TS Nghĩa cho biết hiện không còn tình trạng trường này hay trường kia vay mượn giảng viên, thiết bị để phục vụ kiểm định bởi hệ thống HEMIS của Bộ GD-ĐT xác định giảng viên đó có thuộc trường không thì nó trở nên dễ dàng hơn. "Tuy nhiên, điều mà đoàn đánh giá ngoài không gọi là gian lận nhưng gọi là biến tấu, cải tiến để đáp ứng các tiêu chí kiểm định về giảng viên, về sinh viên là có. Đó là do sự chưa hiểu hết của nhà trường, tất nhiên cũng có thể cố tình như việc kiểm định chương trình giảng dạy trình độ thạc sĩ thì trường thống kê tất cả giảng viên của khoa đó và thậm chí của cả trường, trong khi yêu cầu chỉ là đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy cho chương trình đó" - TS Nghĩa nêu thực tế.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết nếu chỉ nhìn thấy thời gian đoàn đánh giá ngoài đến và làm việc tại trường, kể cả khảo sát sơ bộ chỉ khoảng 4 ngày, như vậy không thể đánh giá được hết thực trạng của chương trình đào tạo hay là của cơ sở giáo dục. Vì một đoàn kiểm tra, thanh tra, có khi cần thanh/kiểm tra cả tháng.
Tuy nhiên, TS Nghĩa cho rằng đánh giá ngoài hiện nay vẫn thực chất vì trước khi khảo sát chính thức, đoàn đánh giá ngoài đã có thời gian cả tháng để khảo sát, nghiên cứu báo cáo tự đánh giá.
Đánh giá ngoài là điều kiện cần để bảo đảm khách quan, minh bạch nhưng để đạt được kết quả kiểm định là nhờ vào hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ hiệu quả. Vấn đề đặt ra là có thể công nhận hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong? TS Nguyễn Thị Thu Hà nhìn nhận hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ hoạt động hiệu quả chỉ là một trong các yếu tố quyết định kết quả kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo/chương trình đào tạo.
"Để đạt được kết quả kiểm định chất lượng cần có sự đánh giá khách quan của các nhà tuyển dụng, của cựu sinh viên, của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực mà cơ sở giáo dục đang đào tạo... Các nước phát triển với các cơ sở giáo dục hàng đầu trên thế giới vẫn đang duy trì việc kiểm định chất lượng cả cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo" - TS Hà nêu ý kiến.
Đi tìm mô hình kiểm định phù hợp
Tại chương trình, các chuyên gia cũng trao đổi về mô hình kiểm định tại Việt Nam trong tương lai nên đi theo hướng nào để vừa bảo đảm chất lượng vừa tiết kiệm nguồn lực. TS Lê Trường Tùng cho rằng song song với các chuẩn kiểm định chung quốc gia, cần có chương trình kiểm định chuẩn quốc tế cho giáo dục ĐH. Đặc biệt là những ngành về sức khỏe hoặc ngành có tính quốc tế hóa cao thì cần có thêm những chuẩn quốc tế riêng biệt. Có thể chấp nhận kết quả kiểm định từ các tổ chức quốc tế như một chuẩn mực của Việt Nam. Khi đó, các tổ chức kiểm định trong nước có thể tham gia vào quá trình xác nhận, tạo nên một hệ thống minh bạch và mạnh mẽ hơn so với tình trạng hiện nay. Mỗi trường ĐH đều có điểm mạnh và định hướng chất lượng riêng, do đó không nên áp dụng một cách cứng nhắc quá nhiều chuẩn mực. Thay vào đó, cần có một chuẩn chung bắt buộc cho tất cả các trường, đồng thời cho phép các trường tự lựa chọn những chuẩn riêng phù hợp với đặc thù và chiến lược phát triển của mình.
Bình luận (0)