Sự việc xảy ra tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) và người nhà của người bệnh đã phản ánh đến Báo Người Lao Động.
Bán thuốc kiểu "bia kèm lạc"?
Ngày 16-1, thấy con gái (7 tuổi) bị táo bón (mạn tính), đi ngoài có triệu chứng phân dê, vợ chồng chị N.T.M.H (ngụ quận 8, TP HCM) đưa con tới BV Nhi Đồng 1 để khám. Dù có BHYT nhưng để khỏi mất thời gian chờ đợi, chị H. chủ động đăng ký khám dịch vụ cho con tại phòng khám nội tiêu hóa của BV. Tại đây, sau khi thăm khám, hỏi về bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán bé bị táo bón mạn - K59. Tiếp đó, bác sĩ cho thuốc về uống.
Sau khi nhận sổ khám bệnh và toa thuốc của bác sĩ phòng khám đem ra nhà thuốc BV thì anh Đ.H - chồng chị H. - mới phát hiện có tới 2 tờ giấy, kích thước A8. Một toa ghi nội dung "thuốc điều trị" gồm 2 loại thuốc Glycerin 59,53% (Retiofar 3 ml, 12 ống) và Lactobacillus acidophilus L, Bifidobacterium longum, Lactobacilkus r (lengaza) 30 gói. Toa thứ 2 có dòng chữ "sản phẩm hỗ trợ điều trị" gồm 1 loại sản phẩm mang tên Macrogol 3350 6,65 g (ConstiPASS) 30 gói.
"Dù khá bực bội vì bỗng nhiên mua thuốc còn kèm theo toa "sản phẩm hỗ trợ điều trị" nhưng việc đã rồi nên tôi chọn cách là chỉ đưa toa thuốc chính cho nhân viên nhà thuốc BV để mua, còn toa thuốc "sản phẩm hỗ trợ điều trị" thì giữ lại". Tuy nhiên, không hiểu sao khi tính tiền nhận thuốc thì bất ngờ là trong rổ thuốc nhân viên nhà thuốc đưa ra lại có "sản phẩm hỗ trợ điều trị"?" - anh Đ.H bức xúc.
"Nén cơn khó chịu, tôi yêu cầu nhân viên nhà thuốc BV bỏ sản phẩm không có trong toa thuốc ra giùm và tính tiền lại thì bất ngờ nhân viên nhà thuốc lại thảy ngược rổ thuốc cho tôi rồi bảo: Anh muốn bỏ cái nào thì bỏ, cái nào không mua thì tự lấy ra! Dù không có chuyên môn nhưng muốn xong chuyện để về sớm nên tôi phải lấy 2 toa thuốc dò tên từng loại kiểu như "cô Tấm nhặt thóc trong truyện cổ tích" để chọn cái mà mình nghĩ là "sản phẩm hỗ trợ điều trị" ra" - anh Đ.H nhớ lại.
Thông qua Báo Người Lao Động, anh Đ.H muốn làm rõ việc có hay không nhân viên nhà thuốc BV Nhi Đồng 1 cố tình bán cho được sản phẩm hỗ trợ giống như "bán bia kèm lạc". Bởi từ bác sĩ kê toa cho đến nhân viên quầy thuốc chủ động cho vào rổ thuốc để tính tiền (dù anh H. đã cất toa ghi "sản phẩm hỗ trợ điều trị"). "Khi tôi thắc mắc thì nhân viên nhà thuốc lại bảo "cái nào không mua thì tự bỏ ra". Sao bắt người bệnh tự nhặt thuốc? Có hay không áp lực doanh thu mà người ta làm thế?" - anh Đ.H đặt vấn đề.
Bệnh viện nói gì?
Sau khi tiếp nhận, kiểm chứng lại thông tin phản ánh, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ BV Nhi Đồng 1 để làm việc và lãnh đạo BV thừa nhận lấy làm tiếc vì để xảy ra tình huống nêu trên. Phía BV gửi lời xin lỗi tới gia đình anh H., đồng thời đưa ra lời giải thích rõ hơn.
Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược - BV Nhi Đồng 1, cho biết sản phẩm hỗ trợ điều trị Macrogol 3350 (hay Peg 3350) được chọn lựa đầu tay điều trị táo bón chức năng cho trẻ em. Hiện trên thị trường không có hoạt chất trên dưới dạng thuốc, chỉ có dạng sản phẩm hỗ trợ điều trị. Thân nhân có thể chưa nhận được sự giải thích đầy đủ của bác sĩ nên nghĩ đây chỉ là "sản phẩm hỗ trợ điều trị", không cần thiết.
"Tại nhà thuốc BV, do kết nối hệ thống trên máy tính nên nhân viên biết đây là sản phẩm điều trị, có trong dữ liệu được chuyển từ phòng khám nhưng thiếu toa sản phẩm Peg 3350. Do bệnh nhân đông, để giảm làm phiền bệnh nhân nên nhân viên nhà thuốc đã soạn theo dữ liệu từ phòng khám chuyển ra và khi giao thuốc đã hỏi lại thân nhân có đồng ý mua tất cả sản phẩm đã soạn. Tại nhà thuốc, có thể do nhiều thân nhân đang chờ nhận thuốc nên nhân viên nhà thuốc chưa giải thích rõ và giao tiếp chưa tốt nên thân nhân hiểu nhầm" - bà Nga giải thích.
"BV sẽ nhắc nhở và cải tiến về giao tiếp nghề nghiệp để tăng sự hài lòng của người bệnh. Xin chân thành cảm ơn sự đóng góp để phục vụ bệnh nhân toàn diện và tốt hơn" - đại diện lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 nhìn nhận.
Chấn chỉnh chất lượng phục vụ
Sở Y tế TP HCM vừa công bố kết quả khảo sát việc người bệnh tại các khoa khám bệnh thuộc BV công lập trên địa bàn thành phố năm 2023. Theo đó, hệ thống máy khảo sát tự động đặt tại các BV công lập năm 2023 đã ghi nhận số lượt người bệnh không hài lòng khi đi khám chữa bệnh là 12.522 lượt, tăng 18,46% so với năm 2022 (10.571 lượt) nhưng giảm 31,91% so với năm 2020 (18.395 lượt).
Trong đó, các khâu không hài lòng chiếm tỉ lệ cao gồm: làm thủ tục đăng ký khám bệnh (2.125 lượt), tăng 33,56%; làm thủ tục khám BHYT (1.179 lượt), tăng 27,46%; nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của BV (631 lượt), tăng 30,27%; thông tin hướng dẫn cho người bệnh (657 lượt), tăng 23,44%; chỗ ngồi chờ khám, chờ xét nghiệm (641 lượt), tăng 20,12%.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu các BV có những vấn đề trên có giải pháp cải tiến hiệu quả hơn để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh.
Bình luận (0)