Mới nhất là vụ 13 học sinh Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) phải nhập viện để theo dõi, điều trị triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Các em này trước đó đã uống nước ngọt phát miễn phí trước cổng trường.
Ngộ độc liên tiếp xảy ra
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội ngay sau đó đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, giám sát, xác minh nguyên nhân. Kết quả cho thấy thực phẩm liên quan mà các học sinh này đã sử dụng là trà mật ong và nước hương ổi hồng chanh dây. Cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm chai nước loại này.
Trước đó, tại Hà Nội cũng ghi nhận nhiều học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) đau đầu, buồn nôn khi cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài (vỏ kẹo màu xanh, chữ nước ngoài). Tại tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận liên tiếp học sinh ngộ độc thực phẩm nghi do sử dụng thức ăn ở các quán, gánh hàng rong khu vực xung quanh trường học, trong đó 1 học sinh tử vong. Ở Lâm Đồng, nhiều học sinh Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo có chữ nước ngoài mua từ một cửa hàng tạp hóa gần cổng trường.
Tại TP HCM, nguy cơ ngộ độc từ hàng rong, quà vặt trước cổng trường luôn rình rập, hiện hữu. Trước đó đã có nhiều học sinh nhập viện sau khi ăn cơm cuộn sushi bán trước cổng trường nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn. Thực tế, tại những trường học ở thành phố có rất đông học sinh sau giờ học là tấp vào các hàng quán, gánh hàng rong mua nhanh các thực phẩm chế biến sẵn như bánh tráng trộn, bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, trà sữa...
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, đơn vị liên tục tiếp nhận thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều địa phương cả nước liên quan đến học sinh. Ngoài những vụ nói trên thì gần đây xảy ra dồn dập các vụ khác như: Tại Trường THCS - THPT Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) có 23 học sinh ngộ độc phải nhập viện. Kế đó là vụ liên hoan tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) khiến 55 học sinh đau bụng, buồn nôn, chóng mặt. Tiếp đến là 21 học sinh của Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng phải đi cấp cứu sau khi ăn tiệc...
Theo ghi nhận, vào mùa tựu trường là xe đẩy, xe chở thùng đựng đồ ăn chế biến sẵn xuất hiện trước cổng trường với hàng chục loại thức ăn đường phố hấp dẫn như cánh gà rán, xúc xích, bánh kẹo, bim bim... với giá chỉ vài ngàn đồng. Đặc biệt, hình ảnh các xe bày bán các que xiên với màu sắc bắt mắt, hương liệu thơm phức và giá thành siêu rẻ, chỉ 2.000 - 8.000 đồng/que. Rất đông học sinh xem các xiên que này là món ăn vặt yêu thích sau mỗi giờ tan học. Điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác hoặc là có nhãn mác nhưng bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, bày bán lộ thiên và được che đậy sơ sài. Khi được hỏi về nguồn gốc của những que xiên này, người bán hàng cho hay đồ này không rõ từ đâu nhưng do bán nhiều nên được các xưởng chế biến giao hàng tận nơi.
Đại diện Cục ATTP cho biết những món như xúc xích chiên, bánh tráng trộn, khoai tây lắc, hay những ly nước giải khát đủ màu sắc thu hút học sinh không chỉ bởi sự tiện lợi mà còn vì giá phải chăng. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn đó là một thực tế đáng lo ngại về ATTP.
Tăng kiểm tra, xử lý mạnh
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP HCM, cảnh báo đặc thù của thức ăn đường phố là những hàng quán di động, khó bảo đảm vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập. Hiện thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố có quản lý, còn lại là những điểm bán thức ăn đường phố không đủ điều kiện ATTP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người dân.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết đa số thực phẩm siêu rẻ bán tại các hàng rong ở cổng trường dễ gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở..., những loại thực phẩm này còn tiềm ẩn mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe người dùng, gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường... Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, thậm chí tích tụ gây ung thư.
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo những loại đồ ăn dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần có mối nguy hại đặc biệt lớn cho sức khỏe. Khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, thành phần hóa học sẽ thay đổi dẫn tới một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng...
Trước thực trạng này, Cục ATTP yêu cầu các đơn vị trong ngành, các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát ATTP tại khu vực trường học; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực trường học.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ nay đến cuối năm, thành phố tập trung triển khai chuyên đề "Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội" đối với các cơ sở giáo dục. Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn. Đồng thời, điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến thức ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường. Việc kiểm tra ATTP trong và xung quanh cổng trường sẽ tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP.
"Về phía nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của ban giám hiệu, ban phụ huynh học sinh trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm khu vực trường học.
Bình luận (0)