Theo Nghị quyết 173/2024 của Quốc hội khóa XV, từ ngày 1-1-2025, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, shisha và "bóng cười" chính thức bị cấm.
Cần là có
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến thời điểm này đa số người kinh doanh thuốc lá điện tử đã bỏ nghề, các cửa hàng có kinh doanh mặt hàng này đều đã tháo biển, trả mặt bằng. Tuy nhiên, những người có nhu cầu mua thuốc lá điện tử và các phụ kiện vẫn có nơi cung cấp.
Cụ thể, chỉ cần lên mạng tìm kiếm với từ khóa "cửa hàng thuốc lá điện tử", hệ thống sẽ hiển thị hàng chục website bán hàng như Saigon Retro Vape, Sài Gòn Vape, Việt Vape, Lầy Store. Điểm chung của các website này là giao diện bán hàng như một trang thương mại điện tử, có hiển thị hình ảnh, tên, giá cả sản phẩm, đặt mua, số điện thoại người bán, thông tin cửa hàng...
Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại trên trang web S.V và được tư vấn viên giới thiệu nhiều loại thuốc lá điện tử khác nhau, trong đó phân khúc giá rẻ dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/cái, loại cao cấp hơn khoảng 2-3 triệu đồng/cái, chưa bao gồm giá tinh dầu. Tuy nhiên, cửa hàng đang bán giá thanh lý, giảm đến 50%. "Anh có thể mua loại sử dụng 1 lần thương hiệu O., dùng khoảng 8.000 hơi đang giảm 48%, từ 260.000 đồng/cái còn 135.000 đồng/cái hoặc thương hiệu A.R đang giảm 32%, từ 1,1 triệu đồng/cái xuống 750.000 đồng/cái, thời lượng pin đến 2 ngày, thiết kế sang trọng hơn… Tụi em sẽ giao tận nhà, miễn phí vận chuyển nếu khách mua đơn hàng trên 500.000 đồng. Nếu khách muốn mua trực tiếp có thể đến chi nhánh Gò Vấp, Bình Thạnh" - nhân viên này nói.
Trên các hội nhóm kinh doanh liên quan thuốc lá điện tử, nhiều thiết bị hút được rao bán với thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn nhắm đến giới trẻ, đội lốt dưới dạng máy chụp ảnh, cây bút, chiếc gối siêu mini, cây kem nhiều hương vị... Giá bán từ 130.000 đồng/cái trở lên, tặng kèm tinh dầu.
Trên các tuyến đường lớn tại TP HCM như Thống Nhất, Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Ba Tháng Hai (quận 10)... một số cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử vẫn âm thầm hoạt động. Trong một cửa hàng tại quận Gò Vấp, bên trong vẫn còn trưng bày hàng chục mẫu mã thuốc lá điện tử, phụ kiện, tinh dầu... hầu hết đều ghi "Made in China". Khi chúng tôi hỏi mua Pod (một dòng thuốc lá điện tử), nhân viên cửa hàng đem ra hơn 5 mẫu mã thiết kế bắt mắt, màu sắc sặc sỡ để lựa chọn, giá từ 280.000 - 300.000 đồng, cùng tinh dầu với nhiều hương vị khác nhau như dưa hấu, trà xanh đá xay, cola, dâu tây, táo, cà phê... Khi chúng tôi đưa điện thoại định chụp lại một số sản phẩm để mua sau thì nhân viên ngăn lại vì đang "nhạy cảm".
Anh N.M.T, đại diện một cửa hàng bán thuốc lá điện tử tại TP HCM, cho biết khi quy định về cấm bán thuốc lá điện tử có hiệu lực, shop đã bán giá rẻ để thu hồi vốn, còn mặt bằng thuê đã báo với chủ nhà để trả lại. "Thuốc lá điện tử xếp vào hàng cấm nên bán xả" - người này lập luận cho việc bán mặt hàng bị cấm kinh doanh của mình.
Sẽ kiểm soát chặt
Theo cơ quan QLTT, từ ngày 1-1-2025, thuốc lá điện tử là hàng cấm nên các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử là vi phạm pháp luật, bị xử lý theo theo các quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 đến 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, còn tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 đến 200 triệu đồng.
Lãnh đạo Cục QLTT TP HCM cho biết thời gian tới, cục sẽ tập trung giám sát, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, khi thuốc lá điện tử đã là hàng cấm, căn cứ tại điều 190 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, cá nhân phạm tội này còn có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 3 tỉ đồng và phạt tù với hình phạt cao nhất là 15 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tối đa lên đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 9 tỉ đồng. Thậm chí có thể bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP đó là buộc tiêu hủy tang vật. "Tuy nhiên, hiện tại pháp luật hiện hành chưa quy định thuốc lá điện tử là hàng cấm nên chỉ có thể đưa vào diện chung là buôn bán hàng hóa khác mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng do pháp luật chưa quy định cụ thể chủng loại, số lượng, giá trị để áp dụng mức phạt tiền, khung hình phạt khi phạm tội" - luật sư Tuấn phân tích.
Cần quy định xử phạt người sử dụng
Theo Nghị quyết 173/2024, việc sử dụng thuốc lá điện tử đã bị cấm nhưng theo ghi nhận, nhiều người vẫn vô tư sử dụng nơi công cộng, nhất là giới trẻ, có cả học sinh và sinh viên.
Nhiều phụ huynh rất đồng tình khi có quy định cấm hút thuốc lá điện tử vì trong nhóm học sinh - sinh viên có con cái của họ cũng đua đòi "hút cho vui" và biện hộ "không có nghiện", "không gây hại". Nhưng thực chất loại thuốc lá này lại rất nguy hại.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng theo quy định hiện nay, chỉ có hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm mới bị phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa có chế tài cụ thể xử phạt. Do vậy, các phụ huynh đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có quy định để chế tài với hoạt động sử dụng mới mong ngăn chặn triệt để thuốc lá điện tử.
Bình luận (0)