Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến diễn ra tại thủ đô Seoul ngày 27-5. Lần gần đây nhất sự kiện này diễn ra vào tháng 12-2019.
Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ lần lượt hội đàm song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong ngày 26-5 trước khi 3 nhà lãnh đạo này gặp nhau một ngày sau đó.
Giới phân tích không có nhiều kỳ vọng cuộc gặp sẽ đạt kết quả đột phá về những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Hàn - Trung - Nhật.
Ông Robert Ward, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Anh), nhận định với tờ Japan Times rằng các vấn đề chia rẽ 3 nước này là rất đáng kể và thường liên quan đến an ninh quốc gia mà mỗi bên không thể thương lượng được.
Trong khi đó, ông Kang Jun-young, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực quốc tế tại ĐH Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), lưu ý sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến các vấn đề quân sự, đối ngoại và an ninh không được đưa vào chương trình nghị sự.
Thay vào đó, theo Văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol, các nội dung thảo luận là kinh tế, thương mại, biến đổi khí hậu, trao đổi văn hóa, sức khỏe, dân số già, khoa học và ứng phó thảm họa. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc cần giải quyết những lo ngại của Hàn Quốc và Nhật Bản về khó khăn ngày càng nhiều khi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Riêng với Tokyo, trong số những nỗi lo hàng đầu có vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc những năm tới.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có thể nêu những quan ngại an ninh về sự tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Một quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên và quan hệ liên Triều là một chủ đề phức tạp, khó có thể dẫn đến một thỏa thuận rõ ràng. Theo quan chức này, phần lớn thời gian của hội nghị sẽ được dành cho các vấn đề liên quan kinh tế và sinh kế.
Giới chức nước chủ nhà hy vọng hội nghị có thể đạt được tiến triển trong các lĩnh vực hợp tác như giao lưu nhân dân và vấn đề lãnh sự. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tìm cách đưa vấn đề ổn định chuỗi cung ứng trong tuyên bố chung.
Ngay cả khi khó có thể đạt đột phá, hội nghị vẫn được kỳ vọng sẽ giúp duy trì một số hoạt động ngoại giao cấp cao đã bị tạm dừng kể từ hội nghị thượng đỉnh cách đây hơn 4 năm.
Giới chức Hàn Quốc cho rằng chỉ việc lãnh đạo 3 nước gặp lại sau một thời gian dài đã có ý nghĩa của riêng nó. Theo Yonhap, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo nhận định hội nghị sẽ đóng vai trò bước ngoặt trong việc khôi phục hoàn toàn và bình thường hóa hệ thống hợp tác 3 bên.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh kỳ vọng cuộc gặp sẽ tạo động lực mới cho hợp tác 3 bên.
Bình luận (0)