Liên quan vụ việc hơn 300 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm Băng (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình), báo cáo của UBND TP Long Khánh cho thấy tiệm này do bà N.T.K.B. làm chủ, có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ/ngày (2 buổi sáng - chiều).
Tiệm Băng bán bánh mì thịt, gồm thịt (tự chế biến); ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua); chả lụa, pa tê, nước sốt (tự làm)... Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại tiệm.
Trong ngày 30-4, tiệm bán khoảng 1.100 ổ bánh mì. Người mua bánh mì tại tiệm Băng ăn hôm 30-4, sáng hôm sau thì có dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói và bắt đầu nhập viện.
Theo báo cáo của UBND TP Long Khánh, tiệm bánh mì Băng thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ; tiệm không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào. Tiệm có 4 nhân viên bán bánh mì nhưng không khám sức khỏe định kỳ. TP Long Khánh đã buộc cơ sở này ngưng hoạt động từ trưa 1-5.
Về vấn đề vì sao tiệm bánh mì bán 1.000 ổ/ngày mà không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo TP Long Khánh đã chỉ đạo rà soát, làm rõ.
UBND TP Long Khánh đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan trên địa bàn, yêu cầu tập trung các giải pháp xử lý vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì.
UBND thành phố đề nghị Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe và chăm sóc, điều trị tích cực cho các bệnh nhân.
UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân và xử lý nghiêm chủ cơ sở bánh mì Băng theo quy định.
UBND TP Long Khánh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã rà soát, tăng cường kiểm tra những nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong trên địa bàn nhằm phát hiện sớm hành vi vi phạm và xử lý nghiêm...
Ngày 2-5, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai có công văn hoả tốc đề nghị Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai tập trung tối đa nguồn lực, bố trí đầy đủ bác sĩ, thuốc men, thiết bị, vật tư y tế, tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Qua đó, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.
Phối hợp chặt chẽ các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa nếu cần thiết; kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm ở cơ sở trên, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.
Sở Y tế giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế trước ngày 9-5.
Bình luận (0)