xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiêm cồn chữa dị dạng mạch máu

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Công trình y học hiện đại vừa ghi vào danh sách Thành tựu Y khoa TP HCM khi áp dụng đưa cồn vào cơ thể con người để chữa bệnh

Một bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch phức tạp ở vùng chẩm, gây chảy máu nhiều lần. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), qua 5 lần can thiệp, các bác sĩ giúp bệnh nhân hết hoàn toàn dị dạng động tĩnh mạch, không còn triệu chứng, đặc biệt là triệt tiêu được tình trạng chảy máu ướt cả gối khi ngủ kéo dài nhiều năm.

Giải quyết dị dạng, đem lại niềm vui

Trường hợp khác là một nữ bệnh nhân trẻ (ở miền Bắc) bị dị dạng tĩnh mạch khiến khuôn mặt mất cân đối. Biết được thông tin, chị đi máy bay vào miền Nam tìm đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để cậy nhờ "phép mầu". Sau liệu trình 7 lần điều trị, chị tìm lại được niềm vui, dị dạng giảm hẳn, các bác sĩ đã trả lại sự cân xứng cho khuôn mặt.

Các bác sĩ can thiệp chữa dị dạng mạch máu bằng cồn

Các bác sĩ can thiệp chữa dị dạng mạch máu bằng cồn

TS-BS Nguyễn Đình Luân, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết dị dạng mạch máu là một nhóm bệnh bao gồm các dị dạng: mao mạch, bạch mạch, tĩnh mạch và động tĩnh mạch. Bệnh này phân thành 2 nhóm chính: dị dạng dòng chậm (mao mạch, bạch mạch, tĩnh mạch) và dị dạng dòng nhanh (có thông nối trực tiếp động tĩnh mạch).

Dị dạng mạch máu có thể gây mất thẩm mỹ, người bệnh gặp vấn đề về tâm lý, đặc biệt là những bệnh nhân đã điều trị nhiều lần không thuyên giảm hoặc những bệnh nhi phải chịu đựng những dị tật theo mình.

Theo bác sĩ Luân, đối với dị dạng mạch máu dòng chậm, việc điều trị cần làm là xơ hóa nhân dị dạng. Vật liệu xơ hóa có thể bằng các vật liệu lỏng như bleomycin, STS, polidocanol hoặc đốt laser. Cồn tuyệt đối được xem là một vật liệu xơ hóa mạnh giúp triệt tiêu nhân dị dạng.

Đối với dị dạng động tĩnh mạch, điều trị cốt lõi là làm tắc những thông nối động tĩnh mạch trực tiếp. Cồn sử dụng trong điều trị dị dạng động tĩnh mạch được xem là vật liệu tắc mạch. Tùy mục đích, cồn sẽ có tác dụng xơ hóa hoặc tắc mạch tùy thuộc loại dị dạng và chỉ định điều trị.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong hàng trăm ca được chữa trị thành công bằng cách tiêm cồn do các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định mạnh dạn triển khai thực hiện. Với công trình "Can thiệp dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn" này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã ghi tên mình vào danh sách Thành tựu Y khoa của ngành y tế TP HCM mới đây.

"Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, việc điều trị giúp khỏi bệnh hoặc giảm triệu chứng không chỉ đem lại niềm vui cho họ mà còn lưu lại nhiều cảm xúc cho bác sĩ chúng tôi" - TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Theo các bác sĩ, trước đây dị dạng mạch máu được điều trị bằng phẫu thuật, tốt với những dị dạng khu trú, nhỏ. Nhưng dị dạng thường lan tỏa nhiều nơi nên nếu phẫu thuật triệt căn dễ tàn phá nặng nề một phần cơ thể. Các vật liệu xơ hóa, tắc mạch khác: bleomycin, polidocanol, STS… đã dùng nhiều để điều trị dị dạng mạch máu. Một số vật liệu tắc mạch như onyx, keo sinh học có thể điều trị tốt cho dị dạng động tĩnh mạch của hệ thần kinh nhưng với dị dạng mạch máu ngoại biên thì hiệu quả không cao.

BS Lê Anh Huy, Đơn vị X-quang can thiệp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trên thế giới, dùng cồn tuyệt đối đã được áp dụng từ những năm 1980. Tuy nhiên, ít chuyên gia thuần thục sử dụng cồn, rất nhiều trường hợp dùng cồn tuyệt đối điều trị gây biến chứng nặng nên phương pháp này hạn chế sử dụng.

Riêng với BS Yakes (Mỹ) - một trong những chuyên gia hàng đầu trong việc sử dụng cồn tuyệt đối dùng như vật liệu xơ hóa hoặc tắc mạch hiệu quả nhất - đã điều trị thành công nhiều trường hợp phức tạp trên thế giới. Chuyên gia này đã đến Việt Nam và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ năm 2016 và được các bác sĩ áp dụng chữa trị thành công cho nhiều người, đồng thời tích lũy nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm y khoa quý giá.

Nhấn mạnh về sự an toàn cũng như rủi ro của phương pháp can thiệp tiêm cồn tuyệt đối chữa dị dạng mạch máu, các bác sĩ cho rằng cồn tuyệt đối chỉ là vật liệu, sử dụng hiệu quả dựa vào kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết về mặt bệnh lý. Việc điều trị dị dạng mạch máu cần nhiều thời gian, nhiều lần điều trị, lặp đi lặp lại vì mỗi lần điều trị có một lượng cồn nhất định (0,5 mg/kg cân nặng). Tuy vậy, người bệnh và gia đình không vì thế mà lo lắng.

Ngoài ra, vật liệu là cồn tuyệt đối rất rẻ nên chi phí điều trị không cao, chủ yếu phụ thuộc vật liệu sử dụng kèm, mức độ khó của bệnh lý dị dạng (dị dạng động tĩnh mạch khó hơn dị dạng tĩnh mạch). BHYT có chi trả nên phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh.

"Điều trị dị dạng mạch máu bằng cồn tuyệt đối chi phí rẻ nhưng đem lại hiệu quả, phù hợp điều kiện kinh tế tại Việt Nam" - bác sĩ Huy nhấn mạnh. 

Tỉ lệ thành công hơn 90%

Đến nay, Đơn vị X-quang can thiệp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã điều trị hơn 500 trường hợp dị dạng dòng chậm (mao mạch, bạch mạch, tĩnh mạch) với hơn 1.500 lượt dùng cồn tuyệt đối; gần 100 trường hợp dị dạng động tĩnh mạch (loại phức tạp) với hơn 400 lượt. Tỉ lệ thành công (hết triệu chứng, giảm trên 50% triệu chứng) đạt trung bình trên 90%; tỉ lệ biến chứng thấp (dưới 2%) với đa phần biến chứng nhẹ như sưng, phỏng da, nổi bóng nước, tổn thương da dạng loét. Những biến chứng nhẹ có thể điều trị khỏi bằng dùng thuốc, nội khoa. Biến chứng nặng như cắt bỏ phần chi, áp xe chiếm dưới 0,1%.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo