Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành sâm, hương liệu và dược liệu. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, vừa có giá trị kinh tế cao vừa có công dụng chữa bệnh như: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai... Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vẫn còn hạn chế, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành sâm và hương liệu, dược liệu.
Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Việt Nam tự sản xuất được 70% các loại thuốc cần dùng. Tuy nhiên, nguyên liệu bản địa chiếm 30% tổng giá trị thuốc sản xuất. Mỗi năm, Việt Nam thu hoạch được 10.000 tấn dược liệu nhưng vẫn phải nhập khẩu 40.000 tấn (nhập từ Trung Quốc chiếm 80%). Điều này cho thấy nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam vẫn chưa được khai thác và phát triển một cách tối ưu. Thời gian qua, trung tâm đã tiến hành sưu tập và lưu giữ cây dược liệu của khu vực phía Nam, nhân giống, sản xuất sinh khối, đánh giá tác dụng dược lý và phát triển các sản phẩm từ dược liệu. Đến nay, bộ sưu tập cây dược liệu đã lên đến 114 giống, trung tâm cũng đã nghiên cứu thành công nhân giống một số loại dược liệu như: bách hợp, bạch cập, đinh lăng, sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm cau, lan kim tuyến, ba kích, lan thạch hộc tía...
Ngoài ra, TP HCM cũng là nơi cung cấp nguyên liệu sâm Ngọc Linh nhờ công nghệ nhân sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh để chế biến thành các sản phẩm khác.
Tối cùng ngày, Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP HCM đã chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 26-5. Lễ hội quy tụ 13 đoàn khách quốc tế, 135 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó có 32 doanh nghiệp nước ngoài.
Bình luận (0)