TP Huế là một trong 6 địa phương được tham gia thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng.
Tiền tỉ "chết dí" trong tài khoản
TP Huế có 205.587 ha rừng tự nhiên được chi trả số tiền 134,6 tỉ đồng trong giai đoạn thí điểm từ năm 2023 - 2025. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã chuyển 107,43 tỉ đồng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng TP Huế để triển khai thực hiện ERPA. TP Huế đã chi trả 56,8 tỉ đồng cho 11 chủ rừng trong năm 2023 và tạm ứng đợt 1 của năm 2024.
Đến hết tháng 9-2024, các chủ rừng đã sử dụng 6,942 tỉ đồng, đạt 26% kế hoạch tài chính của năm 2023 được duyệt hơn 27 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu chi quản lý và tạm ứng kinh phí khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cộng đồng. Năm 2024 chỉ có 2 chủ rừng được phê duyệt kế hoạch tài chính.
Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hương Thủy, TP Huế có 12.000 ha rừng tự nhiên, được chi trả 4,6 tỉ đồng. Ông Trần Phúc Châu, Phó Giám đốc phụ trách BQL Rừng phòng hộ Hương Thủy, cho biết đến nay đơn vị đã "lỡ chi" 50 triệu đồng mua sắm thiết bị bảo vệ rừng, số tiền còn lại vẫn đang nằm trong tài khoản BQL vì không thể chi cho bất kỳ việc gì.
"Quy định phải chi phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư nằm ven rừng tự nhiên có tham gia quản lý rừng nhưng rừng của chúng tôi nằm giữa vùng lõm, cách rất xa khu dân cư nên không dân cư nào thuộc đối tượng được chi trả theo quy định. Mặt khác, quy định bắt buộc phải chi cho đầu tư chăm sóc, phát triển rừng tự nhiên nhưng ở Hương Thủy loại rừng này rất ổn định, không có nhu cầu đầu tư nên không thể giải ngân" - ông Châu phân trần.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc BQL Khu bảo tồn Sao La, cho biết đơn vị này được chi trả 5 tỉ đồng nhưng do không có khu dân cư liền kề với rừng, không có kế hoạch chăm sóc phát triển rừng nên số tiền này vẫn nằm yên trong tài khoản.
Còn ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ sông Bồ, cũng cho biết trong 2 năm qua, đơn vị này được chi trả khoảng 2,4 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon của hơn 6.000 ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới chi được 300 triệu cho cộng đồng, số còn lại vẫn "chết dí" trong tài khoản.
Đã "chơi" phải tuân thủ
Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng TP Huế, khẳng định đây là thỏa thuận bán cho Ngân hàng Thế giới (WB) và phía Việt Nam đã cam kết thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định 107 thì phải thực hiện.
Việc một số chủ rừng muốn sử dụng nguồn thu này để phục vụ rừng trồng là không phù hợp. "Họ trả tiền tín chỉ carbon để hỗ trợ cộng đồng xung quanh rừng, phát triển rừng tự nhiên. Các chủ rừng không có cộng đồng dân cư xung quanh, không có kế hoạch nuôi dưỡng rừng tự nhiên được duyệt thì không thể sử dụng nguồn thu này" - ông Cảnh phân tích.
Muốn đầu tư vào rừng tự nhiên phải có hồ sơ nằm trong phương án quản lý rừng bền vững đã được tỉnh phê duyệt cách đây 3 năm. Thời điểm đó các chủ rừng không biết có khoản tiền này nên không xây dựng phương án. Nay nếu chủ rừng nào điều chỉnh kịp, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Huế, UBND TP Huế phê duyệt thì lấy kinh phí từ bán tín chỉ carbon để làm. "Rừng tự nhiên về khoanh nuôi, tái sinh phải làm trong 2-3 năm nhưng nghị định sắp kết thúc thì chắc chắn sẽ không triển khai kịp" - ông Cảnh nói thêm.
Có tổng cộng 105 cộng đồng dân cư tiếp giáp rừng tự nhiên được UBND TP Huế phê duyệt. Ông Cảnh cho biết danh sách này được các chủ rừng khảo sát, trình lên. Vì vậy, chủ rừng nào không có cộng đồng dân cư nhận giao khoán thì không được hưởng. "Mình tham gia cuộc chơi phải chấp nhận. Không có cộng đồng thì chi cho ai?" - ông Cảnh khẳng định.
Đối với số tiền 10% quản lý mà các chủ rừng được hưởng, theo ông Cảnh, nếu chủ rừng có làm các việc như khảo sát cộng đồng dân cư gần rừng, triển khai giao khoán rừng… thì mới được hưởng.
Ông Cảnh cho biết Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, đại diện WB cũng đã làm việc, kiểm tra tình hình chi tiêu nguồn thu tại TP Huế. "Đây là chương trình đang thí điểm, tiền không chi được chắc chắn WB không thể thu lại vì họ đã mua, như vậy có khả năng sẽ trả về cho Chính phủ Việt Nam. Các địa phương cũng kiến nghị lên Chính phủ có thể vẫn để số tiền thu được cho các chủ rừng sử dụng theo dịch vụ môi trường rừng như lâu nay" - ông Cảnh cho biết thêm.
Không kịp điều chỉnh
Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa đã hoàn thành lập hồ sơ thiết kế và dự toán công trình nuôi dưỡng rừng tự nhiên năm 2024 với 69,8 ha nhưng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để thực hiện được. Nguyên nhân là do trong phương án quản lý rừng bền vững của công ty đã được phê duyệt năm 2018 không có hạng mục nuôi dưỡng rừng tự nhiên. Mặt khác, do thời gian hiệu lực của phương án chỉ đến năm 2025 và kế hoạch năm 2024 cũng đã hết.
Bình luận (0)