Từng cá nhân cầu thủ Nhật có thể không bằng vài ngôi sao Hàn Quốc nhưng về sức mạnh tập thể thì cả châu Á đều nhìn nhận: Đội Nhật Bản, đối thủ ở cùng bảng D với tuyển Việt Nam, là ứng cử viên nặng ký nhất của danh hiệu vô địch Asian Cup 2023. Giải đấu này sẽ khởi tranh từ ngày 12-1-2024 tại Qatar.
Phong độ đang rất cao
HLV Philppe Troussier đã truyền lửa, đem lại tự tin cho các cầu thủ Việt Nam khi nói rằng Nhật Bản là đội rất mạnh. Nếu đấu 10 trận, đội Việt Nam thua 9 nhưng vẫn có thể thắng 1. Biết đâu, điều bất ngờ đó sẽ xuất hiện tại vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2023, khi 2 đội gặp nhau ở trận ra quân bảng D vào ngày 14-1.
Ông Troussier lạc quan như vậy là đúng, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế và tìm hiểu vì sao đội tuyển Nhật Bản hiện nay là số 1 châu Á, là đội châu Á có vị trí cao trong bảng xếp hạng FIFA.
Đoàn quân của HLV Hajime Moriyasu đã thắng 9 trận liên tiếp, trong đó có 2 trận ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á vào ngày 18 và 21-11 trước Myanmar, Syria cùng tỉ số 5-0. Cả 7 trận còn lại là giao hữu, gần nhất là Thái Lan 5-0 vào ngày đầu tiên của năm 2024.
9 trận thắng, ghi đến 39 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 5 bàn, thành tích của họ rất ấn tượng, mà những đối thủ gục ngã trước Nhật đâu phải vô danh. Đức, Tunisia, Canada là 3 đội có mặt ở VCK World Cup 2022; Peru, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng tham dự World Cup.
Đáng chú ý hơn, đội tuyển Nhật Bản đã thắng Đức 2-1 tại World Cup 2022. Và 8 tháng sau, họ không chỉ thắng mà còn thắng đậm đến 4-1.
Nếu như Nhật thắng Đức 2-1 tại World Cup 2022 là trận thắng ngược dòng, trong trạng thái khung thành của họ luôn chao đảo và chỉ thắng với những pha phản công thì trận giao hữu thắng 4-1 là trận thắng toàn diện: Nhật mở tỉ số, sau đó dẫn 2-1 rồi 4-1 với 2 bàn thắng ghi được ở phút 90, 90+2.
Điều gì đã giúp cho đội tuyển Nhật lột xác?
Xuất khẩu cầu thủ ở châu Âu
Điều đáng chú ý là 5 tuyển thủ Nhật đã ghi 6 bàn trong 2 trận thắng trước Đức đều đang thi đấu ở nước ngoài. Có một chi tiết đáng chú ý nữa, đó là ngoài vị trí thủ môn Keisuko Osaka đang thi đấu ở J-League, 16 cầu thủ còn lại, gồm 10 người trong đội hình xuất phát và 6 cầu thủ dự bị vào sân thay người, đều thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu ở châu Âu: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha.
Nhìn lại 22 năm trước, khi Nhật Bản là đồng chủ nhà World Cup 2002 với Hàn Quốc, chỉ có 4 tuyển thủ thi đấu ở châu Âu và nổi bật hơn cả là J. Inamoto khoác áo Arsenal (Anh) và H. Nakata chơi cho Parma (Ý). Thế nhưng tại World Cup 2022, có tới 19 tuyển thủ thi đấu nước ngoài.
Bundesliga, Giải Vô địch Đức, có 8 cầu thủ Nhật Bản đang chinh chiến. Trong đó, đáng chú ý có đội trưởng Maya Yoshida và 2 cầu thủ phá toang mành lưới tuyển Đức trong trận thắng oanh liệt tại World Cup 2022 là Ritsu Doan (SC Freiburg) và T. Asano (Bochum).
Đến với Asian Cup 2023, đội Nhật Bản có 20/26 cầu thủ đang chơi ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Nổi bật trong số này là W. Endo có phong độ cao cùng Liverpool và đang dẫn đầu Premier League; T. Tomiyasu (Arsenal), K. Mitoma (Brighton), T. Kubo (Real Sociedad), Ritsu Doan (SC Freiburg), Ko Itakura (Monchengladbach)…
Tài năng đã được thừa nhận
Sẽ thiếu sót nếu không nói đến chi tiết này: Trước đây các CLB châu Âu chỉ ký hợp đồng với những cầu thủ Nhật đã khẳng định tài năng ở J-League cũng như trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nay các CLB châu Âu đã có cái nhìn khác về các tài năng của bóng đá Nhật khi họ đã "săn" cầu thủ trẻ nước này.
Kubo là ví dụ điển hình. Anh từng trải qua thời gian chơi cho đội trẻ Barcelona rồi chuyển sang Real Madrid năm 18 tuổi và nay đang thi đấu cho Sociedad.
Thực tế này cho thấy dù J-League là giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á (thu hút trung bình 20.000 khán giả mỗi trận, đồng thời sở hữu bản quyền truyền hình 12 năm có giá trị lên tới 2,1 tỉ USD với hãng DAZN) nhưng để trình độ đội tuyển Nhật vượt khỏi biên giới châu Á và đạt đẳng cấp thế giới là nhờ làn sóng cầu thủ du đấu ở châu Âu.
Chưa hết, các học viện do những CLB châu Âu thành lập đã có mặt ở Nhật Bản, trong đó có 5 học viện của Barcelona mở ở Nhật trong 13 năm qua. Nhiều cầu thủ trẻ Nhật Bản đã được thu nhận và không chỉ đưa những tài năng này đến gần hơn với giấc mơ bóng đá trời Âu mà còn giúp cho nền bóng đá Nhật Bản hoàn thiện hơn khâu đào tạo cầu thủ.
Mục tiêu vào bán kết World Cup năm 2050
Người Nhật đã có đề án phát triển bóng đá đạt đẳng cấp cao thế giới vào năm 2030. Đến 2050, họ đặt mục tiêu trung phong đội tuyển quốc gia sẽ có chiều cao 1,90 m để đội tuyển ít nhất vào bán kết World Cup. Còn hiện nay, họ đã xây dựng lá chắn cho đội tuyển Nhật với cặp trung vệ Tomiyasu – Itakura và thủ môn Osako cùng cao 1,88 m.
Người Nhật đầu tư và làm bóng đá như thế mà không thành công mới lạ!
Đội Việt Nam còn 5 cựu binh
Đội tuyển Việt Nam đã đặt chân đến Qatar chiều 5-1, sẵn sàng bước vào chuyến tập huấn trước thềm VCK Asian Cup 2023. Qua 9 tháng huấn luyện đội tuyển Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã có 6 đợt tập trung, với gần 80 cầu thủ được triệu tập, thi đấu các trận giao hữu cũng như vòng loại 2 World Cup 2026 khu vực châu Á.
Sau nhiều lần tuyển chọn, bên cạnh nhóm tuyển thủ dày dạn kinh nghiệm như: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Filip, Vũ Văn Thanh, Phạm Xuân Mạnh, lực lượng đội tuyển Việt Nam hiện tại chỉ còn 5 cựu binh từng tham dự và tiến vào tứ kết Asian Cup 2019, gồm: Đỗ Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn.
Quang Hải, Văn Toàn, Filip, Văn Thanh, Xuân Mạnh, Tấn Tài là những cầu thủ đạt thể trạng tốt. Sơ đồ chiến thuật 3-4-3 của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier đang được trẻ hóa, khi nhiều tuyển thủ trẻ dần chiếm các suất trong đội hình xuất phát, thay thế lứa đàn anh.
Bình luận (0)