Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện.
TS-BS Nguyễn Hải Công, Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi - Bệnh viện Quân y 175, cho biết hiện nay mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 120-130 trường hợp đến khám ngoại trú, trong đó, 5-7 ca được phát hiện có tổn thương nghi ngờ lao, phổi. Trong đó, người trẻ chiếm tỉ lệ cao.
Theo TS-BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nước ta hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh và 14.000 người tử vong do lao mỗi năm. Chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
PGS-TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cảnh báo mối nguy cơ của bệnh lao với trẻ em. Đặc biệt, trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng lao ở trẻ em khác với người lớn, không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng nên khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác, dễ chẩn đoán nhầm. "Trẻ em mắc lao đang là mối lo ngại mới, do vậy việc phát hiện và điều trị lao sớm cho trẻ là ưu tiên hàng đầu để tiến tới chấm dứt bệnh lao" - PGS Hòa cảnh báo.
Theo giới chuyên môn, bệnh lao nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đồng thời ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng.
BS Nguyễn Hải Công cho hay Bệnh viện Quân y 175 nằm trong hệ thống mạng lưới chống lao quốc gia. Bệnh viện đã áp dụng mô hình 2-X (X-quang và Xpert) để tầm soát bệnh. Trước đây, chỉ có dùng phương pháp kinh điển là X-quang kết hợp triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm đờm để tầm soát nhưng tỉ lệ tìm được vi trùng lao thấp. Tuy nhiên, hiện khi đưa mô hình 2-X vào tầm soát đã nâng cao độ nhạy chẩn đoán.
Trong những năm qua, ngành y tế TP HCM đã xây dựng được mạng lưới phòng chống lao trải đều các quận, huyện. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được cập nhật, đáp ứng tốt trong công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh với mục tiêu kiểm soát, chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để tăng cường phát hiện người mắc bệnh lao trong cộng đồng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã đẩy mạnh hoạt động tầm soát lao thường xuyên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đọc phim và chẩn đoán bệnh lao, hỗ trợ bác sĩ nâng cao năng lực, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Trong năm 2023, tại TP HCM đã tầm soát lao bằng AI cho hơn 70.000 người tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và cộng đồng. Trong đó, hơn 63.000 người được tầm soát tại bệnh viện, phát hiện 833 trường hợp có tổn thương nốt ác tính, gợi ý nhiễm lao. Tỉ lệ xác định yếu tố nguy cơ từ phim chụp CT tại cộng đồng là 21% và hơn 70% tại bệnh viện.
Từ kết quả này, các bác sĩ có những xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu, sớm xác định tình trạng bệnh để điều trị kịp thời. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tầm soát lao giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường độ chính xác, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu loại trừ lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Bình luận (0)