xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Tiếng chuông" cảnh báo tài xế

NGUYỄN HƯỞNG

Bộ Công an cho rằng việc đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe là "tiếng chuông" cảnh báo, giúp giới tài xế chấp hành pháp luật tốt hơn

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Ngăn chặn nguy cơ tai nạn

Theo dự thảo nghị định, ngoài phạt vi phạm hành chính bằng tiền, có 189 hành vi sẽ bị trừ điểm GPLX từ 2 đến 12 điểm.

Trong đó, 28 hành vi bị trừ 12 điểm - đều là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông, như: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ...

"Tiếng chuông" cảnh báo tài xế- Ảnh 1.

Với đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an kỳ vọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của giới tài xế. Ảnh: Ý LINH

Trong các hành vi bị trừ 10 điểm, đáng chú ý có hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở. Trong các hành vi bị trừ 6 điểm có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc; gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...

Hành vi bị trừ 3 điểm gồm các lỗi: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, không có tín hiệu cảnh báo khi dừng đỗ xe... mà gây tai nạn. Còn hành vi bị trừ 2 điểm là điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; kéo, đẩy xe khác...

Theo đại diện Bộ Công an, việc trừ điểm GPLX này không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng bằng lái.

Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng việc quy định trừ điểm GPLX vừa có tính răn đe vừa có tính chất giáo dục. Mỗi lần bị trừ điểm là "tiếng chuông" cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của người dân.

Giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do cảnh sát giao thông tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Đáng chú ý, trong dự thảo nói trên, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mig/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Theo đó, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự, xe chở người và xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì 6 - 8 triệu đồng như hiện hành.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy và các loại xe tương tự, Bộ Công an đề xuất phạt 400.000 - 600.000 đồng, thay vì 2 - 3 triệu đồng như quy định hiện hành. Với xe máy chuyên dụng, Bộ Công an đề xuất phạt 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng như quy định hiện hành.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, quy định rõ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, giao Bộ Y tế quy định về việc xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn khác. 

Giám sát việc chấp hành pháp luật của tài xế

Trước sự quan tâm của dư luận về đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm GPLX, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh việc này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay; giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái cho đến quá trình chấp hành pháp luật của tài xế và việc xử lý vi phạm, tái phạm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ ủng hộ việc trừ điểm trên bằng lái xe. Theo ông, quy định này giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.

Theo ông Quyền, việc tính điểm trên GPLX là một giải pháp đã được một số nước phát triển trên thế giới áp dụng. Để triển khai được việc này, cần phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm.

"Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu nhằm điều chỉnh kịp thời. Việc xử lý vi phạm cũng phải công khai, minh bạch. Nếu mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó, việc tính điểm GPLX mới phát huy hiệu quả" - ông Quyền nhấn mạnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo