Mở đầu bài báo về Hội An bây giờ bằng mấy câu thơ trong bài "Hội An" được Chế Lan Viên viết từ 35 năm trước (in trong "Di cảo thơ Chế Lan Viên", tập III), liệu rằng có phù hợp? Chắc không sao, bởi trong chừng ấy thời gian, người ta biết Hội An chẳng phải là quê của Chế, rõ rồi; chứ còn hương trong "Hương ư? Ôi dễ gì…" (quên), thì vẫn chưa ai tỏ là hương gì, thế nên cứ tiếp tục lý giải.
Chắc chắn tác giả của "Điêu tàn" vận dụng mỹ từ pháp trong câu thơ này. "Hương" ở gần từ "Quê" chưa hẳn cùng trường nghĩa quê hương, làng quê trong thơ Thôi Hiệu "Nhật mộ hương
(鄉) quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai); mà "Hương" ở đây là tiếng thơm, hương vị (香), kiểu như "Đăng ảnh chiếu vô thụy/ Tâm thanh văn diệu hương" (Đại Vân tự Tán công phòng kỳ - Đỗ Phủ)… Vận vào hoàn cảnh sáng tác bài "Hội An" gắn với mối tình của Chế thi sĩ với người con gái đất miền Trung thuở ấy, ta biết "Hương ư? Ôi dễ gì…" chính là hương tình yêu, hương đô thị - duyên cảm tha thiết không dễ gì phai của tác giả đối với vùng đất nhân tình thuần hậu nổi tiếng này.
Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu" - ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (ảnh), nhấn mạnh.
*
HƯƠNG ĐÔ THỊ HAY HƯƠNG PHỐ, là đặc trưng rất riêng của Hội An. Bất cứ ai đặt chân đến thành phố cổ kính, thanh vắng bên sông Hoài, chỉ cần để tâm một chút, sẽ cảm nhận rất rõ mùi hương phố Hội.
Dễ cảm và dễ chịu nhất là mùi hương trầm. Trầm hương là đặc sản ở đây, nghề làm trầm hương đã có truyền thống hàng trăm năm. Dạo phố vào bất cứ ngày nào, ta đều dễ gặp mùi trầm hương thoang thoảng. Vào những đêm rằm, đêm hội đèn lồng, Tết Trung thu, đặc biệt là những ngày cận Tết Nguyên đán, mùi trầm tỏa ra từ những mâm cúng dọc các dãy nhà cổ, hay từ phía Hoài giang tạt vào, hoặc từ ngoài Cửa Đợi thổi lên…, nghe thật "đã". Nó như quấn lấy những bước chân lãng du, khiến người ta phải bước thật chậm để cảm nhận nhịp sống hòa dịu nơi này.
Mùi hương trầm khiến lòng người lắng lại, nhất là vào cuối chiều hoặc ban đêm, cùng với ánh sáng lồng đèn, mái ngói thâm nâu, con đường nho nhỏ và những hẻm sâu hun hút, hoa đăng trên sông…, như kéo con người trở lại với đời sống của một cảng thị từ ngàn năm trước xa lắc xa lơ. Hãy một lần tản bộ qua hết các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng vào chiều 30 Tết, dừng lại đôi phút trước mâm cúng tất niên được gia chủ biện ra trước hiên nhà, hít thật sâu mùi trầm hương cho đến căng lồng ngực, bạn sẽ không bao giờ quên được Hội An. Tin đi…
Ấy chính là hương di sản.
* *
HỘI AN CÀNG "GIÀ" ĐI CÀNG CÓ GIÁ. Cũng như những bức tường rêu, ở các đô thị khác người ta thường "dị ứng". Còn ở Hội An, tường rêu cũng là… đặc sản.
Qua những ngày đông mưa lạnh lê thê, những sáng mùa xuân ấm áp, nắng vỡ òa chan màu vàng ươm xuống phố. Chợt ngỡ ngàng nhận ra trên những mái ngói nhà cổ và hai bức tường các hẻm sâu đã ngăn ngắt màu xanh của rêu. Sức sống Hội An biểu hiện hết sức đa dạng.
Tường rêu trở thành những điểm check-in thích thú của các bạn trẻ, du khách bốn phương, là điểm chụp hình của bao tân lang và tân nương. Tôi có đứa em họ, dù đã coi ngày "Vu quy" nhưng rồi phải xin ba mẹ cho dời ngày, cốt chỉ vì chờ "rêu phủ Hội An" để chụp hình cưới. Mà tuyệt thật, xem album ảnh của em ấy, ngắm mấy bức chụp ở hẻm rêu 51 Nguyễn Thái Học, thấy đẹp như trong cổ tích. Rất nhiều bức hình của những tay máy trong nước đoạt giải nhiếp ảnh quốc tế cũng ra đời từ những hẻm rêu này.
Tường rêu không xanh, mà loang lổ, từng rất nổi tiếng phố Hội, là bức tường cũ trên đường Hoàng Văn Thụ. Chỉ cần đứng vào đấy, tạo dáng, là có những tấm hình ấn tượng để đời. Tưởng không đẹp nào ngờ đẹp không tưởng! Một ngày, bức tường được sơn mới bằng màu vàng sáng bừng cả một góc phố. Có chút tiếc nuối, nhưng rồi bức tường mới tiếp tục trở thành điểm check-in của rất đông du khách trong và ngoài nước. Một màu vàng khắc khoải, một màu vàng hoài niệm, đúng điệu Hội An còn gì! Và những bức ảnh đẹp từ đó "bay" khắp thế giới, càng quảng bá tích cực cho thương hiệu Hội An.
Tôi chợt nhớ tới câu thơ "Hương thời gian thanh thanh" khá thi vị trong bài "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ. Ở Hội An không bao giờ thiếu màu xanh - màu của sức sống trộn lẫn với màu vàng đặc trưng hoài niệm của phố cổ. Nhờ biết hòa trộn, kết nối hiện tại - quá khứ một cách tinh tế như vậy nên Di sản Văn hóa thế giới này luôn hấp dẫn. Có nơi nào biết tạo hấp lực cho mình bằng "hương thời gian" như Hội An!?
* * *
TỐI 31-12-2023, ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN ĐÔNG ĐÚC chưa từng thấy kể từ giữa năm 2020, khi bắt đầu bị đại dịch COVID-19 tấn công. Dòng người kìn kịt đổ về phố cổ không chỉ vì sức hút khó cưỡng của một điểm du lịch hấp dẫn tầm quốc tế, mà đêm ấy thành phố di sản này chứng kiến một thời khắc long trọng: Công bố Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Đây là thành quả của một quá trình dài quyết tâm theo đuổi của lãnh đạo địa phương, cùng với thực lực và nhiều giá trị lớn lao không thể bàn cãi của đô thị cổ.
Yếu tố nào giúp Hội An được gia nhập mạng lưới nói trên? Đó là hai lĩnh vực thế mạnh: thủ công và nghệ thuật dân gian. Về thủ công, Hội An hiện có hơn 50 ngành nghề truyền thống đang được lưu giữ và phát triển. Về nghệ thuật dân gian, hô hát bài chòi là đặc sản ở đây. Nhìn rộng ra, sức mạnh của Hội An chính là văn hóa. Trong đề án Thành phố sáng tạo trình UNESCO, Hội An khẳng định: "Văn hóa là xương sống của nền kinh tế thành phố chúng tôi ngày nay với sự đóng góp trực tiếp từ các ngành công nghiệp văn hóa và gián tiếp bằng cách cung cấp nguồn lực cho các dịch vụ cho du lịch và chuỗi giá trị liên quan đến du lịch. Toàn bộ lĩnh vực văn hóa và các dịch vụ liên quan đóng góp 73,85% (năm 2019) và 49,46% (năm 2022) vào GDP của thành phố".
Phát biểu tại lễ công bố tối 31-12-2023, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định: "Trong hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi khu đô thị cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển của mình, coi văn hóa là yếu tố then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân".
Cách xác định như thế hết sức đúng đắn. Về Hội An hôm nay, dễ dàng nhận thấy cư dân địa phương tham gia đều khắp vào những nghề thủ công có giá trị kinh tế cao như làm trầm hương, lồng đèn, gốm, mộc, tre, dừa, may mặc, trồng rau… Du khách cũng cảm nhận được mình đang sống giữa một thành phố của nghệ thuật muôn màu, như triển lãm ảnh, đàn hát, dân vũ đường phố, hát hò khoan, dân ca - bài chòi, dạy hát tuồng và diễn tuồng, các chương trình Ký ức Hội An, Đêm phố cổ, Hành trình di sản…
Khen Hội An sao cho hết. Biết bao danh hiệu quốc tế đã dành tặng thành phố này, kể thêm bằng thừa. Phố cổ quyến rũ nhờ bảo tồn quá tốt, nhân tình thuần hậu và chiều sâu văn hóa chính là "danh thơm" giúp Hội An được du khách năm châu bốn biển biết tiếng và tìm đến. "Thiên lý hữu hương" mà! Cũng nhờ đó, Hội An giữ vững danh hiệu thành phố du lịch hàng đầu châu Á và thế giới.
Hương Hội An, vì thế, như Chế Lan Viên cảm nhận: "đâu dễ gì" quên…
Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu" - ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (ảnh), nhấn mạnh.
Bình luận (0)