Bá đạo là một danh ngữ Hán Việt mà đạo là thành phần chính còn bá là thành phần thêm nghĩa. Đạo là một danh từ có nghĩa gốc là “đường đi”, từ đó mới phái sinh ra nghĩa bóng mà ta có thể thấy dùng để chỉ kỹ thuật, nghệ thuật, phương thức..., như trong trà đạo, hoa đạo, nhu đạo, y đạo...; chỉ tôn giáo, như trong bần đạo, an bần lạc đạo, truyền đạo, tuẫn đạo…; chỉ đường lối chính trị, học thuyết, như trong Khổng Mạnh chi đạo, vương đạo, bá đạo. Còn bá thì được Hán Việt tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “vua chư hầu” (nếu là danh từ), “ỷ sức mạnh” (nếu là động từ).
Cứ như trên thì danh ngữ bá đạo có thể được hiểu là “đường lối cai trị dựa trên quyền thế và bạo lực”. Nghĩa này đã được nói rõ tại mục “Vương đạo và bá đạo” trong quyển Giải thích các danh từ triết học của Trung Quốc (Doãn Chính, Trương Giới, Trương Văn Chung dịch, NXB Giáo dục, 1994, trang 61).
Nhưng bá đạo còn có những nghĩa “đời thường” hơn, như có thể thấy trong nhiều quyển tự điển (Từ hải, Từ nguyên, Đương đại Hán ngữ tự điển [nhóm Lý Quốc Viêm], Hiện đại Hán ngữ tự điển [Phòng Biên tập, Sở Nghiên cứu ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc]…). Đó là “ngang ngược bất chấp phải trái”; “nguy hiểm”; “cực mạnh”. Nghĩa “đời thường” này còn được thể hiện trong thành ngữ “hoành hành bá đạo” có nghĩa là làm bậy làm càn, bất phân phải trái. Những cái nghĩa đời thường này thường được ứng dụng trong tiểu thuyết võ hiệp của Tàu và theo đó là phim Tàu, rồi trò chơi điện tử, từ đây lại được giới trẻ Việt Nam thu nhập vào khẩu ngữ của tiếng mẹ đẻ với những cái nghĩa chưa có nội dung thật sự rạch ròi trong những cách nói như: - Thằng kia dại bá đạo; - Những sự thật bá đạo trên Facebook; - Bàn thắng bá đạo của thủ môn Joe Hart; - Nụ hôn bá đạo của đôi uyên ương; - Clip thơ bá đạo; - Uống bia kiểu bá đạo; - Những dáng ngồi bá đạo; - Biển quảng cáo bá đạo...
Một số cư dân mạng đã “đúc kết” nghĩa của bá đạo như sau: vô đối, siêu phàm; có tính khí ngang ngược; khủng; lạ lùng, không tưởng tượng được. Những cái nghĩa này, suy đến cùng, cũng thuộc quỹ đạo nghĩa “đời thường” của danh ngữ bá đạo trong tiếng Hán mà thôi.
Bình luận (0)