L.T.S: Từ ngày 1-4, mô hình tổ dân phố, tổ nhân dân chính thức khép lại sau gần nửa thế kỷ đồng hành với sự phát triển của TP HCM.
Những "cánh tay nối dài" kết nối chính quyền với người dân trong mô hình này dù dừng lại hay tiếp tục nhiệm vụ mới đều rất đáng trân trọng bởi ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng.
Hạnh phúc khi thấy dân vui
Thầm lặng cống hiến, những cá nhân tham gia điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ dân nhân đã góp phần giúp TP HCM thêm hiện đại, văn minh, nghĩa tình
Tại Lễ công bố Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp ở phường 9, quận Phú Nhuận, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Bí thư Đảng ủy phường 9, không khỏi xúc động khi nhắc đến những người tham gia điều hành khu phố, tổ dân phố.
Bà Thảo cho biết ở phường 9, rất nhiều cô chú tham gia điều hành khu phố, tổ dân phố đã trên 30 năm, thậm chí 48 năm và đều là những người rất đáng kính. Trong số này có bà Đinh Thị Hồng, 70 tuổi, từng làm Tổ trưởng Tổ dân phố 11, khu phố 1.
Từ thông tin ấy, những ngày giữa tháng 4, phóng viên đã tìm gặp bà Hồng. Nơi người phụ nữ từng 48 năm gắn bó với tổ dân phố, 40 năm làm tổ trưởng sinh sống là một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm, phường 9. Nụ cười hiền hậu của bà khiến cái nắng gay gắt dường như bị xua đi.
"Cô tham gia công tác ở địa phương từ năm 1976. Khi đó chưa có tên gọi khu phố, tổ dân phố như bây giờ, mà gọi là khóm. Công việc của cô cũng bình thường như nhiều người khác" - bà Hồng mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu giản dị.
Bà Hồng cho biết thời gian công tác ở địa phương, bà nhớ nhất giai đoạn những năm đầu sau khi đất nước thống nhất và thời điểm cả nước căng mình phòng chống dịch COVID-19. Theo bà, cả 2 giai đoạn đều khó khăn vô cùng, thậm chí giai đoạn phòng chống dịch còn nguy hiểm nữa. Đó chính là lúc người dân cần sự hiện diện, xông pha của những người công tác ở tổ dân phố, khu phố.
Bà Hồng đã đến từng nhà thông báo người dân đi xét nghiệm, tiêm ngừa… Thấy người dân thiếu thốn thực phẩm, bà nghĩ đến việc kết nối người quen ở Cà Mau để kiếm cá tươi vận chuyển lên. Nhìn người dân trong tổ chia nhau mấy chục con cá, bà rất xúc động.
"Đi nhiều, cô không sợ nhiễm bệnh sao, nhất là khi cô thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao?" - phóng viên hỏi. Đáp lại là câu trả lời hiền hậu mà gợi nhớ không khí của một thời gian cam go: "Sợ chứ, sợ nhiều là đằng khác. Nhưng không hiểu sao cô không ngăn được bản thân, không ngăn được những bước chân. Thế rồi, trang bị kỹ càng, cô lại đi, lại đến với người dân, nhất là những người bị cách ly, những ngôi nhà bị phong tỏa"...
Bí thư Đảng ủy phường 9 Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết những ngày gần đây, bà Hồng cũng như các cô chú tổ dân phố đã nỗ lực hết sức để làm những công việc của năm, như cố gắng hoàn thành các khoản thu trong dân để khu phố mới đỡ vất vả.
Theo Bí thư Đảng ủy phường 9, có thể thấy tinh thần trách nhiệm và hơn hết là cái tình, cái nghĩa của các cô chú điều hành tổ dân phố đối với người dân và địa phương. "Xin tạc dạ cái tình - cái nghĩa, những đóng góp, cống hiến, xả thân cho hoạt động khu phố và tổ dân phố của nhiều cô chú trong thời gian qua khi luôn giữ vai trò cầu nối, lực lượng nòng cốt ở địa bàn dân cư" - bà Thảo bày tỏ. Bà tin rằng hình ảnh tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong lòng người dân địa phương.
"Mưa dầm thấm lâu"
Với ông Đinh Độc Lập - 73 tuổi, từng là Tổ trưởng Tổ dân phố 47, khu phố 4, phường 1, quận Bình Thạnh; sau sắp xếp là khu phố 7, phường 1 - dù gắn bó với công tác tổ dân phố chưa nhiều nhưng ông không khỏi bùi ngùi khi không còn tham gia.
Ông Lập kể sau khi về hưu, phát huy vai trò đảng viên gương mẫu, đi đầu, ông bắt đầu "bén duyên" với công tác ở tổ dân phố, đến nay đã gần 14 năm. Để làm được công việc này, ngoài chuyện bỏ thời gian, công sức và thật sự tâm huyết còn phải biết cách dân vận.
Cách của ông là nói đi đôi với làm. Việc gì của dân là xắn tay làm trước, dần dà "mưa dầm thấm lâu", người dân thấy, hiểu rồi tin tưởng. "Khi được dân tin, dân quý rồi thì làm việc gì cũng dễ, phong trào gì khi mình vận động là người dân tham gia liền" - ông Lập đúc kết.
Trong gần 14 năm gắn bó với công tác ở địa phương, từ năm 2014-2019, ông Lập làm Bí thư Chi bộ, trưởng khu phố 4. Từ uy tín của người đứng đầu chi bộ khu phố cộng với cách làm hiệu quả, nhiều phong trào, công trình tại khu phố 4 đã tạo nên dấu ấn khi được người dân tích cực tham gia. Trong đó, điển hình là công trình "Hũ gạo tình thương" được duy trì nhiều năm liền để chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào "15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp" cũng được triển khai ở khu phố 4 với sự tham gia sôi nổi của người dân...
Để làm nên những phong trào hiệu quả tại địa phương, ông Lập cho biết cấp ủy chi bộ cùng với khu phố, ban công tác mặt trận luôn xác định và hiểu rõ động lực thực hiện chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân, trên cơ sở lợi ích cộng đồng là trên hết.
"Chú Lập nghỉ, không làm nữa, nhiều người tiếc lắm. Chú rất nhiệt tình, rất được lòng người dân và có tiếng nói uy tín" - chị Nguyễn Thị Thúy, đảng viên sinh hoạt tại khu phố 4, nhận xét. Chị Thúy cũng cho hay ông Lập là "nhà hảo tâm chính hiệu" của khu phố, của phường. Phong trào nào ông cũng hưởng ứng, đi đầu.
Tri ân, khen thưởng 64.309 cá nhân
Thời gian qua, TP HCM thực hiện mô hình gồm 2 cấp dưới phường, xã là khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân. Sau khi sắp xếp lại, tổ dân phố, tổ nhân dân không còn.
Để cảm ơn những người tham gia hoạt động ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, sắp tới, TP HCM sẽ tổ chức tặng quà kèm thư tri ân của Chủ tịch UBND thành phố đến 64.309 cá nhân.
Việc tổ chức khen thưởng 64.309 cá nhân thực hiện theo thẩm quyền. UBND phường, xã, thị trấn khen thưởng người có thời gian tham gia hoạt động dưới 10 năm. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khen thưởng người tham gia 10-30 năm. UBND TP HCM khen thưởng người hoạt động từ 30 năm trở lên.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)