Hôm nay, khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tròn 25 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2024).
Dấu ấn hợp tác quốc tế
Nhớ lại những ngày đầu đến công tác tại Mỹ Sơn vào năm 1995, ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, cho biết thời điểm đó, khu đền tháp này còn rất hoang sơ, ít người biết đến do điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Du khách muốn đến tham quan Mỹ Sơn phải di chuyển bằng xe thồ.
Đến năm 1999, khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, mỗi ngày Mỹ Sơn cũng chỉ đón chưa tới 50 du khách. Thế nhưng, đến nay - sau 25 năm, du khách tham quan Mỹ Sơn hằng ngày tăng gấp hàng chục lần, với trên 1.200 người.
Thống kê cho thấy lượng khách đến tham quan Mỹ Sơn những năm gần đây gia tăng ấn tượng. Nếu như năm 2022, Mỹ Sơn đón 110.366 lượt khách, năm 2023 là 378.778 lượt thì từ đầu năm 2024 đến nay tăng lên 445.949 lượt - đạt 117,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tăng về số lượng, đối tượng du khách cũng ngày càng được mở rộng, thị trường ngày càng đa dạng.
"Mỹ Sơn nằm giữa thung lũng, bao quanh bởi núi đồi; vốn được người Chăm ngày xưa xem là "thánh địa", được chọn để xây dựng những công trình kiến trúc đền tháp phục vụ tín ngưỡng tâm linh và thờ cúng. Con đường vào "thánh địa" này rất khó đi, chỉ dành cho các tầng lớp tu sĩ Bà-la-môn. Nói vậy để thấy rằng ban đầu, Mỹ Sơn không phải là nơi phục vụ sinh hoạt giải trí, vui chơi" - ông Khiết nhận xét.
Theo Giám đốc BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, 25 năm qua, có lẽ dấu ấn để lại lớn nhất, thành công nhất là sự hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di tích. Ông Khiết cho biết Mỹ Sơn đã hợp tác với những tổ chức, đơn vị quốc tế như UNESCO, JICA (Nhật Bản), America Express (Mỹ), Lerici Fondation (Ý), Viện ASI (Ấn Độ)… thực hiện nhiều dự án trọng điểm để trùng tu, tôn tạo các nhóm tháp; khai quật di tích; xây dựng công trình phục vụ trưng bày, tham quan…
"Nếu không có sự hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế thì Mỹ Sơn khó thể có diện mạo như hôm nay. Bởi lẽ, nguồn lực đầu tư, sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức này là rất lớn" - ông Khiết nhìn nhận.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ, phát triển rừng cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận. Với tổng diện tích 1.158 ha cùng hệ động - thực vật của rừng nhiệt đới miền Trung, 25 năm qua, rừng tự nhiên ở khu vực này ngày càng được phục hồi và phát triển. Rừng tạo nên không gian xanh cho di tích, góp phần bảo vệ các công trình kiến trúc, hạn chế tác động của thời tiết khắc nghiệt. Đây là kết quả từ những chính sách chú trọng việc bảo vệ rừng của tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên, cũng như nỗ lực của BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn.
Phát triển gắn với bảo tồn
Giám đốc BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết 25 năm qua, việc quản lý, bảo tồn khu di tích này đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cơ sở pháp lý về bảo tồn Mỹ Sơn ngày càng được củng cố vững chắc. Việc can thiệp trực tiếp qua quá trình trùng tu, tôn tạo giúp kiến trúc di tích từng bước thoát khỏi tình trạng đổ nát và trở nên ổn định, bền vững. Quá trình hợp tác, phối hợp đã tạo nên những tiền đề, kinh nghiệm quý trong việc quản lý, bảo tồn, trùng tu đối với di tích kiến trúc Chăm nói chung và Di sản Văn hóa Mỹ Sơn nói riêng. Di tích được gìn giữ, bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, việc bảo tồn, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích và trưng bày, nghiên cứu khoa học tại Mỹ Sơn trong 25 năm qua đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Việc phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch cũng được chú trọng, giúp Mỹ Sơn từng bước định hình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Diện tích rừng tự nhiên trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ, phủ màu xanh tươi mát lên di tích...
"Sự thành công của các chương trình, dự án đã thực hiện tại Mỹ Sơn sẽ là cơ sở khoa học quý giá để địa phương triển khai bảo tồn các đền tháp Chăm khác trong tương lai" - ông Phúc đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng tự hào thì vẫn còn một số vấn đề bất cập, như thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu sự chia sẻ của cộng đồng đối với di sản, nguy cơ thu hẹp không gian rừng tự nhiên… Ngoài ra, làm sao để di sản phát triển bền vững vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm.
"Vai trò và sứ mệnh của địa phương trong việc phát triển bền vững Mỹ Sơn trở nên vô cùng quan trọng. Duy Xuyên phải luôn nỗ lực hết mình để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng thành công huyện nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam; đồng thời gìn giữ, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống quý báu" - ông Phúc nhấn mạnh.
Ngày 3-12, BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức kỷ niệm 25 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau 25 năm nỗ lực không ngừng, việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã đạt được những thành công vượt bậc. Từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên suốt thời gian dài đổ nát, Mỹ Sơn đã trở thành điểm sáng trong việc tôn tạo, bảo tồn và thu hút du khách.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác cũng đã đến thăm, khảo sát khu di tích Mỹ Sơn.
Bình luận (0)