Việc tăng cường năng lực khai thác cho dịp cao điểm tới đây là nỗ lực của hãng trên cơ sở tối ưu hóa sử dụng đội máy bay hiện có và mở mới các chuyến bay vào khung giờ sáng sớm, tối muộn trên một số đường bay có nhu cầu lớn.
Như vậy, hãng sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn giai đoạn cao điểm từ 26/4 đến 2/5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.
Các đường bay du lịch như giữa Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo… là những đường bay nội địa được tăng tải nhiều nhất. Còn đối với mạng bay quốc tế, Vietnam Airlines tập trung các chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Hiện tại, nhiều chuyến bay đến các điểm du lịch vào dịp cao điểm đã đầy chỗ 70%.
Vietjet cho biết sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch dịp nghỉ lễ này. Ngoài ra, Vietjet cũng tăng tần suất các đường bay đến và đi từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.
Vietjet cũng tập trung các nguồn lực để tăng cường các chuyến bay, giảm thời gian quay đầu tại các sân bay và mang tới cho khách hàng những chương trình khuyến mãi giá tốt cho khách hàng.
Hiện nay, ngành hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay. Nguyên nhân chính đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau COVID-19 gây ra vấn đề thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ máy bay bị kéo dài.
Bên cạnh đó, các hãng đang đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng cao. Giá nhiên liệu, vốn chiếm tỉ trọng khoảng 30% tổng chi phí của hãng bay, ở mức cao trên 100 USD. Giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng cũng đều tăng mạnh.
Trong bối cảnh này, để đảm bảo cung ứng chuyến bay phục vụ hành khách dịp cao điểm nghỉ lễ và nghỉ hè sắp tới, Vietnam Airlines đã phối hợp cùng các đối tác, cơ quan hữu quan triển khai hàng loạt giải pháp ngay từ cuối năm 2023.
Theo đó, Vietnam Airlines đã chủ động đẩy sớm lịch định kỳ, bảo dưỡng các máy bay để đảm bảo nguồn lực sẵn sàng khai thác dịp cao điểm. Hãng cũng sắp xếp lại lịch bay theo hướng tối ưu khai thác; tăng cường nguồn lực, chú trọng tối ưu hóa quy trình phục vụ mặt đất để giảm thời gian quay đầu máy bay.
Đáng chú ý, hãng tăng cường khai thác các chuyến bay đêm, sáng sớm để bổ sung thêm ghế mở bán, đảm bảo đủ số ghế phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tổng số chuyến bay sáng sớm, tối muộn trong tháng cao điểm Hè 2024 dự kiến sẽ tăng so với cùng kỳ 2023 gần 40%.
Đối với đội máy bay, Vietnam Airlines bổ sung máy thân rộng vào khai thác nội địa nhằm giảm áp lực thiếu cung ứng trên mạng đường bay nội địa và thuê ướt máy bay cho giai đoạn cao điểm hè. Đồng thời, hãng làm việc với nhà sản xuất, đẩy sớm lịch nhận máy bay Boeing 787-10 và Airbus A320NEO để kịp thời bổ sung cung ứng.
Trước đó, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không cho biết cập nhật đến ngày 8-4, giai đoạn cao điểm nghỉ Lễ 30-4, 1-5-2024, các hãng đã cung ứng một ngày trung bình từ 100 ngàn - 110 ngàn ghế trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3-2024. Tỉ lệ đặt chỗ của hành khách hiện vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa chiều từ 2 điểm đầu (Hà Nội, TP HCM) đến các sân bay địa phương và cả chiều ngược lại, đa phần dao động trong khoảng 40-60%.
Các hãng hàng không cho biết có kế hoạch bổ sung tải cung ứng dịp này, theo đó Vietnam Airlines dự kiến tăng khoảng 30-40 chuyến bay/ngày và VietJet Air tăng khoảng 80 chuyến bay/ngày.
Bình luận (0)