Không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh mới
Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo tuyển sinh mới, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Hiệp hội chúng tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo về tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2014 - 2016. Tuy nhiên, khi đọc kỹ dự thảo quy định, dù là dự thảo nhưng chúng tôi có cảm nhận dường như Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự chủ tuyển sinh để vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ tuyển sinh chung của Bộ lâu nay”.
GS Quân cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh mới thì công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Cách làm có thể tương tự như cách Bộ đã cho các trường từ năm 2011 được tự quyết cho mình chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ chỉ thực hiện hậu kiểm.
Theo lãnh đạo Hiệp hội, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) do quy mô tuyển sinh nhỏ, đơn ngành… nên thường gặp khó trong việc chuẩn bị đề thi nhưng lại hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện công vịêc xét tuyển. Do đó, Bộ nên xem xét tuyển (hoặc xét tuyển kết hợp với thi tuyển hạn chế) là phương thức tuyển sinh chủ yếu để giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình.
Các trường trong Hiệp hội cũng đề nghị Bộ cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục đại học. Tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện cần đề được tiếp nhận vào các cơ sở GDĐH, còn điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể (căn cứ xét tuyển, điểm xét tuyển, nội dung thi, các kỳ thi bổ sung, kết quả học lực phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội,…) thì phải dành cho các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình, Bộ không nên can thiệp quá sâu như đã viết trong Dự thảo. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở GDĐH, theo đúng tinh thần của Điều 34 Luật GDĐH.
Lãnh đạo Hiệp hội dẫn chứng, kinh nghiệm thế giới cho thấy chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở GDĐH thường được nhiều quốc gia chọn là văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc các văn bằng tương đương khác (như trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, trung học các ngành năng khiếu…). Rất nhiều trường đại học của nước ngoài (như Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hà Lan…) đều chọn chuẩn này khi tuyển sinh tại Việt Nam. Tại Pháp tất cả các université đều chọn chuẩn trình độ đầu vào là bằng trung học phổ thông. Do đó, việc lấy chuẩn đầu vào là "điểm sàn" của kỳ thi “3 chung” của Dự thảo quy định là hoàn toàn vô lý và thiếu cơ sở khoa học. Không lẽ Bộ xem mọi cơ sở GDĐH của Việt Nam đều có thương hiệu cao đến như vậy hay sao? .
Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước cũng có thể đưa ra quy định về chuẩn đầu vào đối với một số trường cụ thể nhưng đó phải là những trường công danh tiếng. Thí dụ như chính quyền bang California (Hoa Kỳ) chỉ cho các trường thuộc hệ thống UC được nhận nguồn tuyển từ top 1/8 đứng đầu danh sách thí sinh trúng tuyển.
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Coi thi chung như dịch vụ công ích
Hiệp hội đề nghị, Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức (cả hiện nay cũng như sau này) như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở GDĐH để giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình, như Điều 34 Luật GDĐH quy định.
Do đó, tất cả các cơ sở GDĐH phải được quyền hưởng dịch vụ công ích này, tức là phải được quyền sử dụng hoàn toàn, sử dụng một phần hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó. Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ và phải chấp nhận "luật chơi riêng" (điểm sàn, khối thi,…) của Bộ như đã nêu tại Dự thảo. Bộ cũng không nên tuyên bố sẽ chấm dứt chức năng trên từ sau năm 2016.
Tiếp tục dẫn chứng ví dụ tại nhiều nước trên thế giới, Hiệp hội cho rằng, tại nhiều quốc gia (như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan…) kỳ thi chung vẫn được Nhà nước đứng ra tổ chức. Đặc biệt ở Hoa Kỳ, dịch vụ thi tuyển sinh SAT và ACT do 2 tổ chức phi lợi nhuận được Nhà nước cho phép thực hiện vẫn được tổ chức nhiều lần trong một năm, từ nhiều năm nay, để cung cấp kết quả thi làm cơ sở cho các cơ sở GDĐH của Hoa Kỳ thực hiện việc xét tuyển (hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển hạn chế). Việc này người ta làm từ lâu rồi, lẽ nào Việt Nam không làm được? - lãnh đạo Hiệp hội đặt câu hỏi.
Về lâu dài để giảm phiền hà và tốn kém cho người học, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam ủng hộ đề án của Bộ trước đây về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở GDĐH.
“Bộ nên sớm triển khai đề án; nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ hơn về tư duy, phải có quyết tâm cao hơn và đội ngũ chuyên gia tham gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn. Kinh nghiệm Việt Nam và thế giới cho thấy thời gian 2 năm đủ để triển khai công việc này (vừa qua chúng ta chuẩn bị cho kỳ thi PISA cũng chỉ khoảng 2 năm)” - Hiệp hội ngoài công lập góp ý.
Bình luận (0)