Kỳ thi 2015, thí sinh phải ôn luyện nắm chắc kiến thức tránh học vẹt, học tủ
Môn Toán: Đề thi rộng và lạ
Thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định: “Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT đảm bảo phân loại thí sinh với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học bằng 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, đề thi chia nhỏ thành 10 câu với 12 ý, hướng đến mở rộng cơ hội học sinh gia tăng điểm số, đặc biệt là với học sinh có mục tiêu đỗ tốt nghiệp. Đề thi phân hóa thành 4 mức độ: dễ, trung bình, khó và cực khó”.
Những câu hỏi ở mức độ cực khó, khó bao gồm BĐT, GTLN-GTNN và Hình giải tích phẳng (Hệ tọa độ Oxy). Trong đó, câu 10 (Bất đẳng thức, GTLN-GTNN) có mức độ khó hơn năm trước, học sinh có thể dễ dàng nhận diện được phương pháp làm nhưng lại rất khó trong quá trình giải. Đặc biệt, câu hỏi Giải tích phẳng với sự xuất hiện kiến thức đường tròn bàng tiếp (hiếm khi xuất hiện trong đề thi 5 năm gần đây) chứng tỏ kiến thức trong đề thi sẽ rất rộng và lạ.
Những câu hỏi ở mức độ trung bình – khó bao gồm câu hỏi Câu 9 (xác suất thống kê), Câu 4 (Bất phương trình), Câu 6 (Hình học không gian). Những câu hỏi này tương tự như đề thi năm trước. Những câu hỏi còn lại ở mức độ dễ, giúp học sinh dễ dàng lấy điểm.
“Đề thi đảm bảo phân loại học sinh với đề thi rộng, lạ, đồng thời với việc gia tăng số lượng câu hỏi dễ là việc gia tăng mức độ câu hỏi khó. Vì thế, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 đến 6,5 điểm” – thầy Tuấn cho hay.
Môn Văn: Đòi hỏi học sinh cần tổng hợp, tư duy và bày tỏ quan điểm cá nhân
Giáo viên môn Văn Phạm Hữu Cường cho rằng, đề thi minh họa của Bộ Bộ GD-ĐT đảm bảo phân loại thí sinh với sự thay đổi lớn về cấu trúc đề thi, thang điểm. Cụ thể:
Số lượng và tỉ trọng điểm câu hỏi nhận biết, thông hiểu tăng lên so với 5 năm trước đây: câu Đọc – hiểu chiếm đến 3 điểm với 8 ý nhỏ trong đề thi vơi. Đây chính là chìa khóa để học sinh dễ dàng lấy 2,5 điểm đến 3 điểm. Học sinh cần lưu ý, ngữ liệu trong câu hỏi Đọc – hiểu có thể được lấy trong 2 tác phẩm và có thể là thơ, truyện ngắn, kịch, kí…
Câu hỏi Nghị luận xã hội vẫn chiếm 3 điểm trong đề thi. Tuy nhiên, trong đề thi minh họa, vấn đề được đưa ra trong đề thi là một vấn đề tổng hợp (về nghề nghiệp) chứ không cụ thể là nghị luận về tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống…
Mặc dù giữ nguyên tỉ trọng điểm, nhưng sự thay đổi này giúp phân loại thí sinh với yêu cầu cao hơn trong vấn đề nghị luận, đòi hỏi học sinh cần tổng hợp, tư duy và bày tỏ quan điểm cá nhân rõ nét.
Câu hỏi Nghị luận văn học chiếm 4 điểm thay vì 5 điểm như 5 năm gần đây. Tuy nhiên, yêu cầu trong đề thi không thay đổi nhiều. Học sinh cần lưu ý, mặc dù đề thi minh họa giới hạn trong 2 tác phẩm thơ nhưng để thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể ra với thể loại khác với những yêu cầu khác.
Môn tiếng Anh: Đề thi có tính phân hóa cao
Cô giáo tiếng Anh Nguyệt Ca cho biết, với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng, đề thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh năm 2015 có sự thay đổi về cấu trúc và nội dung đề thi. Cụ thể:
Về cấu trúc: Đề thi mẫu THPT quốc gia môn Tiếng Anh bao gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận (thay vì hoàn toàn trắc nghiệm như 5 năm gần đây).
Phần trắc nghiệm: gồm 6 dạng bài trắc nghiệm (Ngữ âm, Ngữ pháp tổng hợp, Tìm từ đồng nghĩa, Phát hiện lỗi sai, Đọc hiểu, Điền từ) đòi hỏi các kĩ năng như kĩ năng viết, kĩ năng đọc, cách sử dụng từ/cụm từ, chức năng giao tiếp…
Phần tự luận: Phần tự luận bao gồm 1 bài viết lại câu và 1 bài viết đoạn văn. Phần thi này yêu cầu học sinh phải có các kĩ năng tổng hợp về ngữ pháp-từ vựng và kĩ năng viết cơ bản (thành lập câu, sử dụng vốn từ vựng, tư duy mạch lạc)
Về nội dung: đề thi minh họa đảm bảo tính phân hóa cao bởi có thêm phần thi tự luận và tỉ lệ độ khó các câu hỏi có thể sẽ là: 20% dễ, 40% trung bình và 40% khó.
Câu hỏi dễ và trung bình có kiến thức thuộc các Chuyên đề: Ngữ âm (phát âm, trọng âm), Ngữ pháp (Thì của động từ, Từ loại, Các loại mênh đề, Sự hòa hợp Chủ ngữ - Động từ), Chức năng giao tiếp. Ngoài ra, đề thi yêu cầu học sinh có khả năng vận dụng các cấu trúc ngữ pháp cơ bản (Mệnh đề, Câu) để làm bài Viết lại câu và Viết đoạn văn trong phần thi Tự luận.
Câu hỏi khó có kiến thức thuôc các Chuyên đề ngữ pháp và từ vựng nâng cao (Đảo ngữ, Phrasal verbs, Idioms….) và kĩ năng Đọc - hiểu. Đồng thời, phần thi tự luận yêu cầu học sinh có thể vận dụng nhuần nhuyễn kĩ năng Viết câu và viết đoạn văn.
Môn Hóa: Số lượng câu hỏi khó, cực khó đã tăng lên
Giáo viên môn Hóa Vũ Khắc Ngọc, trung tâm Hocmai.vn cho biết, tổng thể cấu trúc: Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT tương tự như đề thi khối A năm 2014. Trong đó, số lượng câu hỏi dễ tăng lên (Ví dụ: Câu 2, 4, 8, 12, 20, 28, 40, 41, 31). Đồng thời, số lượng câu hỏi khó, cực khó cũng tăng lên. Thậm chí, có những câu hỏi khó hơn câu khó nhất trong đề thi khối B 2014 (Ví dụ: câu 25, 43, 21, 49…).
Đề thi mở rộng cơ hội đỗ tốt nghiệp cho học sinh với khoảng điểm từ 4 – 5 điểm. Tuy nhiên, rất khó để đạt điểm 9, 10; đề thi đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà cần có khả năng tổng hợp, biết cách vận dụng kiến thức vào những tình huống khó, lạ của đề thi.
Tuy nhiên, thầy Ngọc cho hay, ngoài những ưu điểm trên, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT còn chưa hợp lí về mặt nội dung. Cụ thể: Hầu hết các câu hỏi lí thuyết đều dễ, rất dễ; một vài câu còn trùng lặp về ý tưởng (Ví dụ: Câu 1 và Câu 9). Số lượng câu hỏi bài tập liên hệ thực tiễn hơi nhiều và đơn điệu (Ví dụ: Câu 13, Câu 2, Câu 34).
Câu hỏi bài tập hầu như đều rất khó. Một số nội dung kiến thức quan trọng còn chưa được đề cập trong đề thi. Đề thi hầu như tập trung vào một số dạng câu hỏi lí thuyết và bài tập nhất định trong đề thi.
Đề thi mặc dù đã phân loại được nhóm thí sinh trung bình và giỏi, tuy nhiên, rất khó để phân loại thí sinh ở phổ điểm từ 6 đến 8 điểm. Đề thi minh họa được biên soạn chưa công phu, có câu hỏi được lấy nguyên từ đề thi địa học năm 2014 (Ví dụ: Câu 50 đề thi minh họa với câu 2 mã đề 263 đề thi khối A năm 2008).
Môn Sinh: Đề thi có phần “nhẹ nhàng” hơn
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: Đề thi minh họa có cấu trúc tương tự như đề thi đại học, cao đẳng năm 2014, chỉ bao gồm 1 phần chung cho tất cả các thí sinh với 50 câu hỏi. Đề thi vẫn bao phủ 9 chuyên đề trong cấu trúc đề thi Đại học và Cao đẳng và nằm hoàn toàn trong chương trình phổ thông lớp 12.
Nhìn chung, so với đề thi năm 2013, 2014 thì đề mẫu năm 2015 môn Sinh học có phần “nhẹ nhàng” hơn. Đề thi không có những câu hỏi cực khó, những câu hỏi mang tính đánh đố nhưng cách ra đề ở những câu khó lắt léo, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tư duy cao.
Thông qua việc phân tích kĩ lưỡng đề thi, nhận thấy rằng mức phổ điểm chung của thí sinh sẽ rơi vào ngưỡng 5-6, việc kiếm điểm 7-8 điểm là vừa sức. Việc kiếm điểm tuyệt đối vẫn sẽ dành cho những thí sinh có tư duy tốt, tuy nhiên việc đạt điểm tuyệt đối sẽ dễ dàng hơn so với các năm trước đây.
Môn Vật lí: Kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12
Thầy giáo Vật lí Đỗ Ngọc Hà trung tâm Hocmai.vn cho rằng, về mặt cấu trúc, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên cấu trúc như đề thi đại học năm 2014, nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình THPT Vật lí 12.
Đề thi quét toàn bộ các chuyên đề: Dao động cơ, Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều; Dao động điện từ; Sóng ánh sáng; Lượng tử ánh sáng; Hạt nhân nguyên tử và có thêm một phần Thí nghiệm Vật lí và thực hành ứng dụng.
Về mặt nội dung, các câu lí thuyết đa phần là các câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần nhớ kiến thức trong SGK là có thể làm được và phần lớn câu hỏi lí thuyết đều ở mức độ dễ. Các câu hỏi ở mức độ trung bình chủ yếu là áp dụng những công thức đơn giản hoặc chỉ qua một, hai bước biến đổi là có kết quả.
Trong đề thi có khoảng 34% câu khó, đặc biệt có 5 câu cực khó dành cho học sinh giỏi. Còn 12 câu còn lại, học sinh khá học tốt các dạng bài tính toán đã từng xuất hiện trong đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng các năm trước sẽ làm được. Các câu cực khó thuộc các chuyên đề như Dao động cơ học 1 câu, Sóng cơ học 2 câu, Điện xoay chiều 2 câu, Dao động điện từ 1 câu. Các chuyên đề lượng tử ánh sáng và Sóng ánh sáng hầu như không có câu hỏi khó.
Đề thi xất hiện các câu lạ thực hành Vật lí phổ thông chiếm 1 câu, ứng dụng Sóng âm – câu nói về nhạc lý thú vị và mang Vật lí gần gũi cuộc sống.
Bình luận (0)