Một kỳ thi quốc gia không nên gây xáo trộn quá lớn cho học sinh. Trong ảnh; Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 tại TPHCM. Ảnh: H. Lân
Tuy nhiên, hai vấn đề chính trong việc tổ chức một kỳ thi quốc gia là việc chọn phương án thi và tổ chức thi vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược.
Khi Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về ba phương án cho kỳ thi quốc gia, các địa phương và dư luận phụ huynh, học sinh ủng hộ phương án 1 vì coi đây là phương án an toàn nhất, ít xáo trộn so với hiện tại. Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cho rằng phương án 1 có thể thực hiện ngay từ năm 2015 vì phù hợp với tình hình hiện nay bởi sẽ không gây xáo trộn đột ngột, lo lắng cho phụ huynh, học sinh. Ông Cường nhấn mạnh phương án 2 và 3 mà bộ đưa ra cần có thời gian chuẩn bị cả trong cách dạy và học. Đại diện sở GD-ĐT các tỉnh, TP cho rằng nội dung chương trình, hệ thống giáo dục chưa đổi mới thì chưa thể áp dụng phương án 2 hoặc 3.
Ngược lại, phía các trường ĐH lại ủng hộ phương án 2 vì cho rằng, đây mới là phương án đổi mới. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng phương án 2 là tốt nhất, phù hợp với thực tế nên thực hiện ngay trong năm 2015. Toán - Ngữ văn và Ngoại ngữ rất phù hợp hơn vì các môn thi đều quan trọng.
Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều ý kiến của đại diện các trường ĐH là việc tổ chức thi. Kỳ thi quốc gia được Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức theo từng cụm thi tại các tỉnh, thành. Điểm thi là các trường THPT, ĐH, CĐ. Hội đồng chấm thi là cán bộ, giáo viên của các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); các trường ĐH, CĐ. Lãnh đạo các trường ĐH, các sở GD-ĐT có uy tín, kinh nghiệm tổ chức thi sẽ là lãnh đạo hội đồng thi. Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-8, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về kế hoạch này đến mức Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải trấn an, rằng: Cần phải có lòng tin vào đội ngũ. Ai cũng có thể nói không tin được vào kỳ thi phổ thông, nhưng tôi đề nghị chúng ta không nói thế. Tư lệnh phải tin vào chiến sĩ của mình đang chĩa súng vào địch để giữ trận địa. Chứ cứ lo chiến sĩ chĩa súng vào mình, không lo chỉ đạo tấn công thì thua chắc.
Tuy nhiên, một thực tế rất rõ ràng là nhiều năm nay, những bê bối trong kỳ thi tốt nghiệp luôn nổ ra mà Bộ GD-ĐT không phải không biết. Điển hình nhất là vào năm 2011 khi 11 tỉnh, TP Đồng bằng Sông Cửu Long bắt tay nhau thoả thuận hướng dẫn chấm thi; Và nhiều năm nay tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT chung trong cả nước đạt gần 100%- con số không thể tin được.
Việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ vừa căng thẳng lại vừa gây tốn kém bởi những kỳ thi này diễn ra liên tục trong một tháng. Vì vậy, việc sát nhập hai kỳ thi làm một được cả xã hội mong đợi. Tuy nhiên, việc chọn phương án thi nào không gây sốc cho học sinh; kết quả thi phản ánh trung thực khách quan để vừa xét tốt nghiệp và các trường ĐH, CĐ có thể dựa vào để tuyển sinh là điều cần được cân nhắc kỹ
Bình luận (0)