Hoạt động đầu tiên của Chi hội Âm nhạc thịnh hành thuộc Hội Âm nhạc TPHCM sau khi đơn vị này được thành lập (do nhạc sĩ Lê Quang làm chi hội trưởng) là chuyến lưu diễn qua 5 trường đại học sẽ diễn ra vào tháng 10-2012. “Việc thành lập chi hội này không chỉ đơn giản thực hiện nhiệm vụ đưa những hoạt động của Hội Âm nhạc TPHCM đến gần hơn với công chúng trẻ mà còn để từng bước đưa âm nhạc phát triển có định hướng” - nhạc sĩ Lê Quang cho biết.
Tiếp cận, lắng nghe công chúng
Nhạc sĩ Lê Quang tin rằng: “Khi đã là thành viên của Hội Âm nhạc TPHCM, mỗi người trong chi hội phải có trách nhiệm với chính công việc cũng như vị trí của mình. Điều đó được thể hiện trước hết qua ý thức nghề nghiệp của mỗi người cũng như sản phẩm âm nhạc của họ khi đưa ra xã hội”.
Hình thành đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp
Thực tế cho thấy thị trường ca khúc Việt Nam đã có sự phân khúc rất rõ ràng với 4 phạm vi khác nhau. Những ca khúc có giá lên đến trên 30 triệu đồng thường là tác phẩm của những nhạc sĩ đã định danh, như: Đức Trí, Việt Anh, Võ Thiện Thanh, Phương Uyên, Huy Tuấn… Những ca khúc có giá thấp hơn thuộc những nhạc sĩ trẻ mới nổi thời gian gần đây, như: Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Văn Chung… Những ca khúc chất lượng trung bình thuộc những nhạc sĩ chưa nổi tiếng và cuối cùng là những ca khúc chất lượng kém mà trong số đó có những ca khúc có thể gây nên “thảm họa” âm nhạc. Sự phân khúc này tạo nên thị trường, hay nói đúng hơn là một cái chợ ca khúc rất đa dạng. Và thực tế, lực của ca sĩ đến đâu thì họ tìm đến đúng “gian hàng” phù hợp với mình.
“Với những người nhắm đến mục tiêu nổi tiếng không vì những sản phẩm âm nhạc thật hay, chất lượng, họ không dễ gì chịu bỏ 30 triệu đồng để mua một ca khúc của nhạc sĩ tên tuổi như Đức Trí” - ông Hà Quang Minh (quản lý ca sĩ Văn Mai Hương) nói. Đó là chưa kể nhan nhản những ca khúc được viết ra để tặng với mục đích đôi bên cùng có lợi.
Hiện nhạc sĩ Thanh Bùi và nhạc sĩ Dương Khắc Linh đang chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ với 30 nhạc sĩ được cho là “đình đám” nhất của thị trường âm nhạc thời gian gần đây vào cuối tháng 9 này để bàn bạc về sự “chung tay hợp tác bảo vệ quyền lợi của nhạc sĩ”. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói: “Không đâu như Việt Nam, việc trở thành ca sĩ dễ như đi chợ. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có một ca khúc, bỏ thêm vài triệu đồng quay video clip để phát hành là nghiễm nhiên trở thành ca sĩ. Hệ quả là tạo ra một thị trường âm nhạc quá bát nháo như đã thấy”.
“Không tự nhiên mà một ca khúc có giá cao hay một ca khúc nào đó chỉ được trả vài triệu đồng. Ở Việt Nam, ca sĩ dường như không mấy quan tâm điều này. Cái họ muốn là một ca khúc có giá thật rẻ. Đó là lý do nhiều ca sĩ không ngại dành thời gian để trả giá cho ca khúc dù họ biết thực tế là tiền nào của nấy” - Dương Khắc Linh nói thêm.
Nâng giá ca khúc, theo các nhạc sĩ, cũng là cách để phân định lại đẳng cấp của đội ngũ ca sĩ hiện nay, đồng thời kích thích sáng tạo từ đội ngũ sáng tác để có nhiều hơn ca khúc thật sự có chất lượng.
Lỗi thuộc người bán Thị trường phân khúc rõ rệt như hiện tại là một dấu hiệu mừng vì rạch ròi thang giá trị. Cái tốt chắc chắn phải đắt tiền, cái dở ắt bị đào thải.
“Không thể dẹp bỏ hoàn toàn phân khúc nào dù đó có là thứ âm nhạc tệ hại. Đây chính là mô hình phát triển chuyên nghiệp của thị trường âm nhạc thế giới. Trong một thị trường âm nhạc thập cẩm như thế, chỉ có sản phẩm chất lượng mới tồn tại, bởi bộ lọc của công chúng rất tinh tế ” - nhạc sĩ Đức Trí nói.
Theo ca sĩ Hà Anh Tuấn: “Đã là thị trường bao giờ cũng có quy luật cung - cầu. Nhưng để những thảm họa xảy ra cho thị trường nhạc Việt như vừa qua, lỗi lớn thuộc về người bán. Nếu chỉ giới thiệu những sản phẩm âm nhạc chất lượng, người mua sẽ không phải mua đồ dỏm”. |
Bình luận (0)