Hơn 40 năm sau ngày nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) ngã xuống, những ghi chép của ông suốt dặm đường đấu tranh cách mạng mới được ra mắt thế hệ hôm nay. Sáng qua (30-11), Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách này với sự tham gia của gia đình liệt sĩ Lê Anh Xuân: GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần và vợ chồng NSƯT Ca Lê Hồng, đại diện Bảo tàng Bến Tre - đơn vị trưng bày di cảo của nhà thơ Lê Anh Xuân trước khi nhật ký này được xuất bản; cùng các nhà văn, nhà thơ đã từng có thời gian sống, gắn bó và gặp gỡ với tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam.
Quyển nhật ký vẫn luôn được nhà thơ Lê Anh Xuân mang theo bên mình trong những chuyến đi thực tế ở chiến trường ven đô, được nhà văn Lê Văn Thảo tìm thấy sau khi nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh ở chiến trường phía Tây Sài Gòn. Nhật ký chia làm ba phần: Vượt Trường Sơn, Trên đường dây và Trên đường về quê hương. Những ngày tháng đi qua được liệt sĩ Lê Anh Xuân ghi nhận từng ngày, có khi chỉ ngắn gọn vài dòng để lưu nhớ sự kiện, có khi đong đầy cảm xúc về những nơi đi qua, những điều đã trải nghiệm.
Gần như không một khoảnh khắc nào bị bỏ quên, hình ảnh về quê cũ, cảm xúc nao lòng khi gặp lại những người thân yêu hay bồn chồn đợi ngày ra trận, náo nức nghe tin chiến thắng, hồi hộp rạng ngời khi nghe tin được kết nạp Đảng…; và cũng có khi là nỗi xót đau oằn nặng trước sự ra đi của đồng đội, trước những mất mát và cả những nỗi nhớ trong sâu thẳm trái tim người thi sĩ…
Bìa tác phẩm Nhật ký Lê Anh Xuân. Ảnh: Tiểu Quyên
Nhà văn Bích Ngân, người trực tiếp biên tập bản thảo, cũng xúc động khi nhắc lại những mẩu chuyện đã đọc và ghi nhớ từ tác phẩm: “Có những câu chuyện được ghi nhận một cách rất giản dị, thô mộc, thậm chí vài ghi chép cứ như tủn mủn, vụn vặt nhưng tất cả lại có thể làm bật lên nhân cách của một con người. Đó là những chia sẻ rất thật, rất chân thành và cũng đầy trách nhiệm và yêu thương”.
Cuộc đời ấy trong gian lao vẫn đầy lạc quan, hài hước và được gửi vào trang viết bằng những câu chữ hóm hỉnh, thông minh. Có khi giữa chặng hành trình chông gai, gian khổ, nhà thơ vẫn khiến cho người đọc có thể bật cười với những câu chuyện rất đỗi bình dị và hồn nhiên. Kiểu như: “Té võng. Thật buồn cười”, “Về đến nhà 3 giờ sáng. Ngủ không mùng. Muỗi cắn”, “Đi đào sắn, mất lon gi-go”, “Làm chuồng gà”, “Nghỉ, giặt quần áo”, “Úp muỗng dừa gài lựu đạn, địch đá nổ. Lần sau nếu không gài lựu đạn địch cũng sợ”…

Nhà thơ Lê Anh Xuân (bìa trái), chị Loan - vợ nhà văn Anh Đức
và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hà Nội năm 1964. Ảnh: Tư liệu
Bên cạnh những bút tích của nhà thơ Lê Anh Xuân, quyển sách cũng dành phần cho một số hình ảnh, bài viết về tác giả Dáng đứng Việt Nam của đồng đội, bạn bè văn nghệ: nhà văn Anh Đức, Việt Hà, nhà thơ Viễn Phương, Xuân Lan…
Thay mặt gia đình, GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần cũng tri ân những người đã kính mến và lưu giữ những kỷ vật, di cảo về liệt sĩ Lê Anh Xuân trong suốt bao nhiêu năm qua, đồng thời hy vọng rằng cuốn nhật ký khi đến với công chúng sẽ tạo được những giá trị lan tỏa về lý tưởng sống cho thế hệ hôm nay.
Bình luận (0)