xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại tranh cãi về Quốc hoa

Yến Anh

Chiếm ưu thế ngay từ đầu trong cuộc bình chọn Quốc hoa, nhưng có vẻ sen đang gặp đối thủ "nặng ký" khi số ý kiến ủng hộ bông lúa cũng không ít.

Tiếp theo khu vực phía Bắc, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ có đợt lấy ý kiến người dân miền Trung - Tây Nguyên về Quốc hoa tại Đà Nẵng từ ngày 26-4 đến 2-5, trước khi tổ chức ở phía Nam
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, đơn vị trực tiếp thực hiện đề án Quốc hoa Việt Nam, cho biết trong đợt lấy ý kiến trực tiếp của người dân phía Bắc hồi đầu năm 2011, con số ủng hộ cho hoa sen là 40%.

Sen chiếm ưu thế

Đến thời điểm này, trên website của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), số người bầu chọn sen làm Quốc hoa cũng chiếm đến 62,2%, tiếp theo là hoa đào 16%, hoa mai 14,5%...

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, sở dĩ hoa sen được mọi người bầu chọn nhiều vì nó là một biểu tượng đã được thừa nhận trong văn học và phù hợp với sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Không chỉ gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam, về mặt tạo hình, hoa sen cũng rất đẹp.

Nhiều họa sĩ cũng có chung quan điểm Quốc hoa là hình ảnh biểu tượng cho Việt Nam, vì vậy nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta, phải quen thuộc và gắn liền với đời sống con người Việt Nam. Đối chiếu các tiêu chí này, sen là lựa chọn  số một.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thành viên hội đồng bình chọn Quốc hoa, cho biết ông ủng hộ hoa sen dù nó từng được nhiều nước chọn làm Quốc hoa. “Nếu các nước khác chọn sen trắng thì ta có thể chọn sen hồng, tìm ra đặc thù riêng để khác biệt” – ông nói.

img
Hoa sen được tôn vinh ở lần lấy ý kiến người dân phía Bắc đầu năm 2011. Ảnh: MẠNH DUY
Ngược lại, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với việc lựa chọn hoa sen. Một NSND giấu tên cho rằng hoa sen dù thân thuộc và gần gũi với người dân ta nhưng đối với thế giới, nó không đặc trưng cho Việt Nam. Việt Nam không phải là nơi có nhiều sen, không có nhiều sen đẹp và cũng không có loài sen nào đặc trưng. Thậm chí ở khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có sen đẹp hơn Việt Nam rất nhiều.
Một nhà văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội cũng nhận định hoa sen tuy ảnh hưởng lớn tới văn hóa Việt Nam nhưng nhìn sâu xa, nó mang tính tôn giáo nhiều hơn.
“Có thể nói các sản phẩm văn hóa có sử dụng hình ảnh của sen đều bị ảnh hưởng bởi Phật giáo. Chính sự ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo với hình ảnh hoa sen đã làm cho người Việt Nam quen thuộc với loại hoa này. Nguồn gốc của Phật giáo lại bắt nguồn từ Ấn Độ và nước này cũng đã chính thức chọn hoa sen trắng làm Quốc hoa. Nếu bây giờ ta lại chọn sen thì có nên không?” – nhà văn hóa này băn khoăn.

Bầu chọn một chiều?

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nên chọn bông lúa vì về thẩm mỹ, những cánh đồng lúa vàng luôn là cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ và cả những người không biết về nghệ thuật.
Về tinh thần, hình ảnh bông lúa kết lại, nặng trĩu trên thân cây mảnh mai thể hiện sự yêu thương nhau của người dân Việt. Hình tượng bông lúa mang tính tập thể, đoàn kết, hướng thượng.
Nếu ưu điểm chủ yếu của hoa sen tập trung ở mặt nghệ thuật, tạo hình thì bông lúa được thể hiện ở nhiều mặt. Bông lúa có thể coi là quốc hồn, quốc túy của người Việt và đã được in trên Quốc huy Việt Nam… Tuy nhiên, trên website của Bộ VH-TT-DL lại không có bông lúa ở phần bầu chọn.
Theo ông Dương Trung Quốc, phương thức lấy ý kiến bầu chọn Quốc hoa của Bộ VH-TT-DL tuy đã quan tâm đến đông đảo quần chúng nhưng vẫn có người cho rằng chưa thực sự chuẩn mực, hơi một chiều… nên chưa tạo ra sự thảo luận rộng rãi.
“Ví dụ, chọn bông lúa cũng là ý kiến hay nhưng khi gặp người khởi xướng thì người ta cho rằng việc lấy ý kiến chưa bình đẳng” - ông Dương Trung Quốc cho biết.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành lại cho rằng chỉ có thể phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp cho người dân tại các triển lãm và lấy ý kiến trên mạng của Bộ VH-TT-DL chứ không thể xin từng người. Theo ông Thành, nếu có ai đó nói chưa rộng rãi thì nên đưa ra những giải pháp, còn giải pháp chưa có thì đành sử dụng hai cách nêu trên.

Cũng theo ông Thành, rất nhiều ý kiến cá nhân muốn bảo vệ quan điểm của mình nhưng cá nhân ông không cho bông lúa có tính chất thuyết phục.
“Vấn đề không chỉ là nội dung, ý nghĩa mà còn là tạo hình như thế nào, lúa lấm tấm như thế thì rất khó. Nội dung và hình thức phải đi liền với nhau, có thể nội dung, ý nghĩa đạt tiêu chuẩn nhưng hình thức không đạt thì cũng không được” - ông Thành khẳng định.
Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết hiện nay mới chỉ đang lấy ý kiến chứ chưa có quyết định cuối cùng về Quốc hoa. Hoa nào đạt được sự đồng thuận cao, đa số lựa chọn thì sẽ được lựa chọn.
Dự kiến, việc lấy ý kiến bầu chọn Quốc hoa sẽ kết thúc trước tháng 9-2011, sau đợt lấy ý kiến người dân khu vực phía Nam tổ chức ở TPHCM.

Sáu tiêu chí lựa chọn Quốc hoa

Bộ VH-TT-DL đã đưa ra 6 tiêu chí để lựa chọn Quốc hoa, gồm: Loài hoa phải có nguồn gốc được trồng lâu đời ở Việt Nam; là loại hoa tiêu biểu, dễ trồng, phát triển được ở hầu khắp các vùng miền đất nước; thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; hoa bền đẹp về hình thức và màu sắc, có hương thơm; có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân, thông dụng trong đời sống sinh hoạt, luôn có mặt trong sự kiện văn hóa ở trong nước và quốc tế; có giá trị văn học nghệ thuật và được đa số người dân yêu thích, chấp nhận, tôn vinh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo