Liz Taylor sinh ngày 27-2-1932 tại Hampstead, Bắc London. Mẹ bà từng làm diễn viên kịch sân khấu nhỏ, còn cha bà làm nghề bán tranh. Cả hai đều là người Mỹ gốc Arkansas sinh sống ở Anh. Vì vậy, bà Liz mang hai quốc tịch Anh-Mỹ.
Mới sinh ra, Liz Taylor mắc bệnh vẹo cột sống. 12 tuổi, bà lại té ngựa, gãy hai đốt sống lưng khi đóng phim. Chứng đau xương sống dai dẳng phần nào giải thích tại sao bà nghiện thuốc giảm đau và nghiện rượu. Nhưng bà không bao giờ chịu thua số mệnh.
Năm 1961, bà bị sưng phổi nặng phải mổ thông khí quản. Bà đã nhận tượng vàng Oscar đầu tiên với vết thương trên cổ này. Sau đó là một loạt bệnh hành hạ bà như ung thư da, đái tháo đường, động kinh.
Mắc chứng ăn vô độ từ cuối thập niên 1970, bà trở thành một “thùng phuy” thừa hơn 30 kg. Nhưng điều này cũng không làm cho bà mất đi tính hài hước. “Thật lạ lùng, không hiểu sao tôi không bị nổ tung”. Bà đã tự trào như thế trong cuốn tự truyện.
Trong hai năm 1994 và 1997, bà thay cả hai khớp xương háng sau khi bị gãy. Bà phải ngồi trên xe lăn nhiều năm liền. Ngày 1-3-1997, bà bị đột quỵ sau khi mổ lấy khối u trong não được 9 ngày.
Từ năm 1980 trở đi, sức khỏe bà suy giảm liên tục do tuổi tác đồng thời cũng do hậu quả chứng nghiện rượu, nghiện thuốc giảm đau và ma túy. Năm 1983, bà phải vào trại cai nghiện rượu. Năm 2006, bà lâm bệnh nặng lại thêm mắc bệnh Alzheimer, quên đầu quên đuôi. Để chứng minh rằng mình vẫn còn sống vui, sống khỏe, bà xuất hiện trong Talkshow của Larry King bác bỏ mọi tin đồn cho rằng bà bệnh nặng sắp chết.
Tháng 4-1939, tránh hiểm họa thế chiến thứ hai ở Anh, Liz theo gia đình về nhà của mẹ ở Beverly Hills gần kinh đô điện ảnh Hollywood lập nghiệp. Thông qua các mối quan hệ của cha mẹ, năm lên 9, Liz được hãng phim Universal Pictures ký hợp đồng 6 tháng với mức lương 100 USD/tuần và tham gia đóng phim đầu tiên There’s One Born Every Minute.
MGM ký tiếp một hợp đồng 7 năm với Liz Taylor, năm đầu vẫn 100 USD/tuần nhưng năm thứ bảy lên được 750 USD/tuần. Trong năm 1944, Liz đóng 3 phim và bắt đầu nổi tiếng với vai Velvet Brown trong phim National Velvet. Phim này đạt doanh thu 4 triệu USD và Liz được ký một hợp đồng mới dài hạn với mức lương 30.000 USD/năm.
Năm 17 tuổi, cô gái có đôi mắt màu tím này đóng được 12 phim, trong đó có phim Courage of Lassie đóng dấu ấn của Liz với biệt danh “One-Shot Liz” (chỉ cần quay một lần là đạt). Tuần báo Time lúc đó gọi Liz là “một viên ngọc quý, một ngôi sao đích thực”.
Liz Taylor đóng vai người lớn đầu tiên vào năm 1950 trong phim Father of The Bride. Bộ phim thành công về doanh thu nhưng bà chỉ thực sự nổi tiếng trong phim A Place In The Sun (năm 1951). Tạp chí Boxoffice đánh giá: “Cô Taylor xứng đáng nhận giải Oscar”.
Kể từ năm 1957, Liz Taylor được đề cử 4 lần liên tiếp giải Oscar với tư cách là nữ diễn viên chính và chính thức đoạt tượng vàng Oscar năm 1960 với bộ phim Butterfield 8 đóng chung với người chồng thứ tư là Eddie Fisher.
Kể từ dạo đó, Liz Taylor trở thành ngôi sao điện ảnh được hãng phim 20th Fox trả 1 triệu USD, mức cát-sê cao nhất lúc bấy giờ, khi được mời vào vai nữ hoàng Ai Cập trong phim Cleopatra và được quyền chọn đạo diễn. Trên thực tế, do làm thêm ngoài giờ, Liz nhận được tổng cộng 2 triệu USD.
Giải Oscar thứ hai đến với Liz, cũng với hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, vai Martha trong phim Who’s Afraid of Virginia Wolf? (năm 1966) đóng chung với Richard Burton, người chồng thứ năm.
Sau một thập niên làm mưa làm gió với những bộ phim ăn khách, sự nghiệp của Liz Taylor bắt đầu đi xuống sau khi phim The Only Game in Town (năm 1970) đóng chung với Warren Beatty thất bại.
Từ năm 1976 đến 1989, Liz đóng một loạt phim truyền hình và năm 1982 thử sức trên sàn diễn sân khấu kịch Broadway. Tháng 3-2003, Liz Taylor từ chối tham dự buổi trao giải Oscar lần thứ 75 để bày tỏ chính kiến phản đối chiến tranh Iraq. Bà lên án tổng thống Bush có thể “gây ra thế chiến thứ ba”.
Liz Taylor được đánh giá là một trong những ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất thời hoàng kim Hollywood. Bà đứng thứ bảy trong danh sách 25 huyền thoại nữ của Viện Phim Mỹ. Ngoài 2 giải Oscar, bà còn được trao giải Hàn lâm Nhân đạo của Jean Herscholt năm 1993 do đóng góp nhiều vào việc nghiên cứu bệnh HIV/AIDS. Pháp cũng tặng cho bà Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1987.
Kỳ tới: Khi tôi yêu là tôi cưới
Bình luận (0)