Kết quả giải Oscar lần thứ 83 được công bố vào sáng 28-2 (giờ Việt Nam) tại nhà hát Kodak ở Hollywood (Los Angeles, Mỹ) hết sức hiển nhiên. Sự hiển nhiên đầy thuyết phục mà không cần phải có bất kỳ bình luận nào, bởi đơn giản, đó là những gì mà khán giả yêu điện ảnh đã có thể dự đoán trước đó.
Những chiến thắng đầy thuyết phục
Đúng như những gì dự đoán (với gần 90% số phiếu bình chọn từ khán giả, do website chính thức của Oscar - Oscar.com - chủ trì), người đẹp gốc Israel Natalie Portman đã chiến thắng đầy thuyết phục với vai diễn vũ công ballet trong bộ phim Black Swan.
Đứng trên sân khấu nhận giải thưởng, Natalie giàn giụa nước mắt. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi cô được nhận giải thưởng cùng với đứa con sắp chào đời của mình. Nhưng hơn hết, tượng vàng Oscar hoàn toàn xứng đáng với công sức, thậm chí là nước mắt mà cô đã đổ ra cho vai diễn này. Trong suốt một năm theo đuổi bộ phim, Natalie phải thức dậy từ 5 giờ và tập múa ballet 8 giờ mỗi ngày, chấp nhận thương tích, thậm chí bị trật xương sườn.

Natalie Portman bật khóc
“Lần đầu tiên tôi hiểu rằng để nhân vật trở nên hoàn hảo bao nhiêu, bạn phải hy sinh bấy nhiêu. Thậm chí tôi đã nghĩ mình sẽ chết trong quá trình thực hiện vì cường độ làm việc quá cao”- cô chia sẻ. Ngay cả quá trình giảm cân, với chế độ kiêng ăn mỗi ngày (chỉ ăn cà rốt và quả hạnh) để vào vai diễn cũng là điều đáng để Natalie tự hào.
Natalie đã nhận vai diễn này từ 10 năm trước trong một lần trò chuyện với đạo diễn Darren Aronofsky trong tâm trạng đầy háo hức vì cô có linh cảm tốt về vai diễn. Thế nhưng, cô cũng không phủ nhận vai diễn này đã vắt kiệt sức cô. “Khi bộ phim hoàn thành, tôi thực sự kiệt sức và chỉ muốn về nhà ngay tức khắc”- Natalie chia sẻ.
Ê kíp phim The King’s Speech nhận giải Bộ phim xuất sắc nhất
Cho đến nay, đạo diễn Darren vẫn không tiếc lời tán dương nữ diễn viên trong bộ phim của mình về độ chín trong diễn xuất. Quả thật, Natalie đã làm cho khán giả thở theo nhịp đập trái tim cô trong từng cử chỉ, điệu bộ, sự thổn thức và cả niềm hạnh phúc mà cô tạo nên. Đó chính là lý do không ít người dù thấy tiếc cho thất bại của cựu diễn viên Annette Bening (từng 4 lần được đề cử giải Oscar) với khả năng diễn xuất “đã chạm vào trái tim của khán giả” vẫn thừa nhận chiến thắng của Natalie Portman là rất thuyết phục.
Natalie Portman từng tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý tại đại học Harvard danh tiếng và cô được coi là một trong những minh tinh có học vấn cao nhất ở Hollywood hiện nay.
Nhưng điều khiến cho các đồng nghiệp luôn mến mộ Natalie là việc cô tận tâm cho từng vai diễn của mình. Năm 2005, Natalie từng cạo trọc đầu khi vào vai Evey trong phim V For Vendetta. Cô cũng từng thử sức mình trong vai trò đạo diễn ở phim ngắn Eve (năm 2008) và một phân đoạn trong phim New York I Love You.
Lúc này đây, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp với tượng Oscar trong tay, Natalie Portman vẫn tỏ ra là một người tận tâm nhưng không phải cho sự nghiệp mà là gia đình nhỏ của mình. Cô sẽ tạm ngừng đóng phim và xuất hiện trước công chúng trong một thời gian dài để có thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình. “Tôi sẽ tạm rời xa màn ảnh khi đứa trẻ ra đời để hoàn thành bổn phận của một người mẹ”- cô cho biết.
Dù không nhận được nhiều sự ủng hộ đồng thuận của khán giả như Natalie Portman nhưng hẳn ai cũng một lần nghĩ rằng Colin Firth sẽ là chủ nhân của tượng vàng Oscar dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất qua vai ông vua nói lắp George VI trong phim The King’s Speech. Điều này không chỉ dựa vào những chiến thắng tiền Oscar của Colin mà còn bởi vai vua George VI của ông đã làm cho khán giả bật khóc.
Khán giả có thể cảm nhận rõ nét sự đau đớn đang giằng xé trong tâm hồn của một con người ngồi trên ngai vàng phải dẹp bỏ chính bản thân mình để trở về vị trí của kẻ thấp kém, hèn mọn nhất bằng việc học nói. Colin đã thức tỉnh nhiều người rằng “mỗi chúng ta dù sinh ra không hoàn hảo cũng sẽ trở nên hoàn hảo nếu ý thức rõ điều chúng ta phải làm”. Chính Colin đã làm cho nhân vật vua George VI của mình thêm gần gũi và ý nghĩa với cuộc sống, nước mắt của vua George VI rơi xuống khi phải tập đọc cho giọng nói của mình thêm nồng nàn và tinh tế.
Niềm vui sướng của các nghệ sĩ có trong tay tượng vàng Oscar lần thứ 83 Ảnh: Reuters
Ngay trước thềm lễ trao giải Oscar 83, nam diễn viên kiêm MC James Franco đã thừa nhận mình sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái nếu thất bại trước một diễn viên tài năng như Colin Firth. Điều này phần nào cho thấy Colin Firth không chỉ chinh phục khán giả mà ngay cả đối thủ của ông cũng bị ông khuất phục. Điều bất ngờ thú vị là cuộc chiến của Colin với Jeff Bridges kéo dài dai dẳng từ Oscar lần thứ 82 đến năm nay. Và nếu năm trước, Colin Firth đã phải tay trắng chúc mừng cho đối thủ Jeff Bridges thì năm nay, Jeff phải làm điều ngược lại một cách thuyết phục.
11 năm theo nghề (kể từ vai diễn đưa tên tuổi ông nổi danh khắp thế giới vào năm 1990, vai Joseph Prince trong phim Femme Fatale), hình ảnh của Colin Firth trên màn bạc đã trở nên quen thuộc và quan trọng đối với khán giả yêu điện ảnh. Bộ sưu tập giải thưởng của ông cũng đáng được ngưỡng mộ với sự đánh giá cao của giới chuyên môn, từ Quả cầu vàng, SAG, BAFTA, BFCA đến các liên hoan phim lớn trên thế giới. Thế nhưng, ông vẫn thiếu tượng vàng Oscar. Và lần này, giấc mơ của Colin đã thành sự thật. Ông cũng mới được gắn sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood hồi đầu năm.
Chạm vào trái tim người xem
Đài Truyền hình Hà Nội phát sóng lễ trao giải Oscar lần thứ 83 vào lúc 20 giờ ngày 2-3 trên kênh H1 và vào 20 giờ ngày 3-3 trên kênh H2. Đài Phát thanh -Truyền hình Hà Nội là đài duy nhất của Việt Nam được phát sóng độc quyền lại lễ trao giải này, có phiên dịch tiếng Việt. |
Nếu kết quả các giải Nam/Nữ diễn viên chính; Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất có thể nằm trong dự đoán của khán giả thì kết quả của giải Phim xuất sắc nhất lại khó đoán sẽ thuộc về The King’s Speech hay The Social Network. Một bên là sự sáng tạo đầy tính hiện đại (The Social Network), một bên là tràn đầy cảm xúc (The King’s Speech) và nét tương đồng của cả hai bộ phim này đều khai thác nỗi cô đơn ám ảnh của nhân vật chính.
Nếu nhân vật Mark Zuckenberg (do Jesse Eisenberg thủ vai) mang nỗi cô đơn của một doanh nhân thành công không có bạn bè thì nhân vật vua George VI lại mang nỗi cô đơn của số phận, điều mà đôi lúc ông muốn vứt bỏ nó để có thể được làm một người bình thường. Không phải tự nhiên mà Hội đồng Giám khảo giải Oscar lần này lại dành phiếu bầu của mình cho The King’s Speech.
Nói cho cùng, những gì có thể chạm vào trái tim người xem luôn có lý. Nỗi đau của vua George hoàn toàn có lý và dễ được thông cảm hơn là nỗi đau của Mark, một nỗi đau có lý nhưng cũng khó thông cảm. George muốn kết nối với thế giới quanh mình và ông đã vất vả để học tập trong khi Mark giúp cả thế giới kết nối với nhau nhưng chính anh lại không kết nối được với thế giới quanh mình vì sự kiêu ngạo và tự mãn.
Trước khi lễ trao giải diễn ra, báo chí phương Tây đã không ít lần đề cập chiến thắng của The King’s Speech với lập luận: “Các thành viên Hội đồng Giám khảo giải Oscar hầu hết đã lớn tuổi và vì vậy, họ dễ dàng đồng cảm với nỗi đau của một nhân vật tuổi trung niên hơn là một cậu trai trẻ”. Có thể nhận định này là cảm tính.
Những giải khác
. Đạo diễn xuất sắc nhất: Tom Hooper, phim The King’s Speech.
. Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Christian Bale trong phim The Fighter.
. Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Melissa Leo trong phim The Fighter.
. Phim hoạt hình xuất sắc nhất: Toy Story 3 của Lee Unkrich.
. Đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất: Phim Alice in Wonderland.
. Quay phim xuất sắc nhất: Wally Pfister (Inception).
. Phim tài liệu xuất sắc nhất: Inside Job của Charles Ferguson và Audrey Marrs
. Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất: Strangers No More của Karen Goodman và Kirk Simon.
. Phim nước ngoài xuất sắc nhất: In a Better World của Đan Mạch.
. Âm nhạc trong phim xuất sắc nhất: Phim The Social Network dành cho Trent Reznor và Atticus Ross.
. Ca khúc trong phim xuất sắc nhất: We Belong Together (trong phim Toy Story 3) dành cho Randy Newman.
. Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất: phim The Lost Thing của Shaun Tan và Andrew Ruhemann.
. Phim ngắn xuất sắc nhất: God of Love của Luke Matheny.
. Kịch bản gốc xuất sắc nhất: The King’s Speech dành cho David Seidler. |
Bình luận (0)