Đợt lấy mẫu trên do Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tại đại diện cả 3 vùng ở 10 tỉnh, thành: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP HCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước trong thời gian từ ngày 17-1 đến 8-3. Các mẫu ớt bột, ớt khô nguyên liệu được lấy tại các cơ sở sản xuất, kho bảo quản, hộ kinh doanh trong chợ dân sinh và siêu thị. Tỉ lệ vi phạm nhiều nhất là ở chợ (48,6%), cơ sở sản xuất và bảo quản (30,7%) và siêu thị 21,62%.
Về nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng trên, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản kinh doanh ớt bột khô có quy mô hộ gia đình, điều kiện bảo quản không đảm bảo dẫn đến bị nấm mốc, sinh ra độc tố. Người sản xuất và kinh doanh thiếu hiểu biết về quy trình chế biến, bảo quản để không sinh ra độc tố. Nhiều địa phương độ ẩm cao, mưa nhiều nhưng không có thiết bị sấy mà phơi tự nhiên, bao gói sơ sài nên ớt khô, ớt bột bị nấm mốc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến độc tố aflatoxin hiện diện trong sản phẩm.
Bảo quản sau thu hoạch kém, ớt khô, ớt bột dễ sinh độc tố
Ngoài ra, Thanh tra bộ cũng thừa nhận do sản phẩm ớt bột, ớt khô là gia vị có lượng sử dụng ít nên thời gian qua công tác quản lý chưa chú ý kiểm soát chỉ tiêu aflatoxin. Đối với mặt hàng ớt, thời gian qua chủ yếu kiểm tra chỉ tiêu E.coli (vi sinh gây ngộ độc thực phẩm) và Rodamin B (phẩm màu công nghiệp dùng trong công nghiệp nhuộm để tạo màu đỏ đẹp cho sản phẩm).
Né cách nào?
Theo Viện Pasteur TP HCM, người dân khi chọn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm đã xuất hiện mốc, lưu ý hạn sử dụng và không để lâu các loại gia vị. Ngoài ra, người dân cũng cần tiêm ngừa viêm siêu vi B để ngừa tác động phối hợp giữa aflatoxin và viêm gia siêu vi B trong ung thư tế bào gan.
Aflatoxin là độc tố tự nhiên sinh ra từ việc ớt không được bảo quản đúng cách dẫn đến bị nấm mốc. Theo tài liệu được Viện Pasteur TP HCM công bố, aflatoxin được cho là nguyên nhân của 25.200-155.000 trường hợp ung thư tế bào gan hằng năm, chiếm 5%-28% tổng số ung thư tế bào gan trên thế giới.
Về giải pháp khắc phục, công việc chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến các quy định về sản xuất, kinh doanh, bảo quản cho các cơ sở để ngăn ngừa độc tố aflatoxin; tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất chế biến về quy trình xử lý sau thu hoạch để không sinh độc tố; tăng cường kiểm tra, giám sát chỉ tiêu aflatoxin không chỉ trên ớt mà các nông sản khác cũng có nguy cơ tương tự như: hạt tiêu, hạt điều, đậu phộng, mè,…
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khi cơ quan chức năng có kết quả về việc kiểm nghiệm ớt bột bị nhiễm chất độc gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, người mua khá dè dặt. Tuy nhiên, Khảo sát tại TP HCM, các loại ớt bột, ớt khô vẫn được bán bình thương dù không nhiều như trước. Tại chợ Bình Tây, An Đông, Hoà Bình, Thị Nghè… giá từ 70.000-80.000 đồng/kg.
Chẳng hạn tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, sản phẩm ớt bột được đóng gói loại bao 500g, với giá bán lẻ 40.000 đồng/gói. Nhiều chợ còn bán loại ớt bầm đổ xá, giá khoảng 40.000 đồng/kg. Tại chợ còn có loại ớt bột được xay nhuyễn, người bán giới thiệu là hàng Hàn Quốc có giá bán khá cao đến 250.000 đồng/kg. Khảo sát nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cũng cho thấy có bán loại ớt bột được đóng chai 22.500 đồng/chai 45g.
Người bán cho biết ớt bột sử dụng trong bữa cơm gia đình rất ít, chỉ khi có món ăn cần đến loại ớt bột này mới dùng. Ớt bột chỉ tiêu thụ nhiều tại các quán ăn, nhà hàng, hoặc những nơi tổ chức tiệc tùng.
Ớt nhập khẩu cũng vi phạm
Trong đợt kiểm tra trên, Đoàn liên ngành đã xử phạt 5 công ty nhập khẩu và kinh doanh ớt bột với số tổng số tiền phạt 110 triệu đồng. Các công ty này đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng các mẫu ớt không có xét nghiệm chỉ tiêu aflatoxin. Ngoài phạt tiền, 5 công ty trên còn phải tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ hàng vi phạm trên thị trường và chịu toàn bộ kinh phí thu hồi và tiêu hủy.
Bình luận (0)