Gần đây, trên thị trường có nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” dành cho khách hàng mua kim cương nhân tạo như giảm giá 10% - 30%, mua kim cương được tặng vỏ nhẫn… Một số mẫu quảng cáo khá “sốc” (như yêu cầu khách hàng cắt một mẩu quảng cáo trên báo mang đến cửa hàng sẽ được tặng một viên kim cương nhân tạo) thu hút sự chú ý của không ít chị em. Chất lượng, giá trị thật của những viên kim cương này đến đâu?
Kim cương nhân tạo hay đá CZ?
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), kim cương thiên nhiên là đặc sản của lòng đất được hình thành tại vùng gần tâm trái đất, cách mặt đất 200 - 300 km, trong môi trường nóng 1.5000C với thành phần carbon liên kết theo hệ lập phương. Với độ tuổi cao kỷ lục từ 1 - 3 tỉ năm, kim cương thiên nhiên là thứ đá “cao niên” nhất trong các loại đá quý nên có giá rất cao.
Khách chọn mua kim cương tại một cửa hàng vàng bạc đá quý. Ảnh: Mai Thi
Chẳng hạn, kim cương thiên nhiên rời, trọng lượng 6 ly có giá khoảng 125 triệu đồng. Giá thành của kim cương phụ thuộc vào tiêu chuẩn 4Cs, bao gồm: trọng lượng (carat), độ tinh khiết (clarity), màu (color), giác cắt (cut). Kim cương nhân tạo mặc dù có độ cứng và độ bền giống như kim cương thiên nhiên nhưng lại được “sinh” ra trong phòng thí nghiệm và được dùng chủ yếu trong công nghiệp, còn trong trang sức chưa phổ biến vì độ trong và độ bền không đạt chuẩn. Không những thế, về ý nghĩa khoa học và tâm linh, kim cương nhân tạo không thể nào thay thế được kim cương thiên nhiên.
Còn theo ông Lê Hữu Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), gần đây, một số người dùng đá CZ (Cubic Zirconia) - một loại đá tổng hợp hay còn được gọi là hột xoàn Mỹ - có giá thành rất rẻ (chỉ trên dưới 100.000 đồng/viên) để chế tác các mẫu nữ trang từ trung cấp trở xuống rồi bán với giá vài triệu đồng/viên.
Những viên đá này cũng chiếu sáng, thậm chí với trình độ giác cắt khá điêu luyện của các thợ kim hoàn, những viên đá này lấp lánh không thua gì kim cương thiên nhiên nhưng xét về thành phần hóa học thì hoàn toàn khác kim cương thiên nhiên. Nhiều người bán cố tình lập lờ, quảng cáo đá CZ là kim cương nhân tạo rồi bán với giá vài triệu đồng/viên, cao hơn mấy trăm lần so với giá gốc.
Một số điều nên biết
Theo giới chuyên môn, các loại kim cương nhân tạo đang được chào bán trên thị trường đa số là đá CZ nhập khẩu từ một số nước châu Âu và Trung Quốc. Khách hàng cần thận trọng để khỏi rơi vào những “bẫy” kim cương nhân tạo với giá bán cao hơn mấy trăm lần giá gốc. Theo bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty SJC Khánh Hội, với trình độ mài, cắt ngày càng điêu luyện của thợ kim hoàn, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là kim cương, đâu là đá CZ, nếu người bán không nói rõ tính chất cũng như giá trị của từng loại đá.
Ông Lê Hữu Hạnh cho rằng nếu muốn mua kim cương, người mua nên chuẩn bị một số kiến thức nhất định về loại đá quý này; mua hàng ở nơi có thương hiệu uy tín, đồng thời đòi hỏi nơi bán cung cấp giấy phân cấp kim cương, trong đó trình bày rõ về trọng lượng, cấp độ tinh khiết, cấp độ cắt mài và các tỉ lệ khác để dễ nhận diện, biết sản phẩm mình mua có xuất xứ như thế nào, nhằm sau này bán lại cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, một điều quan trọng mà khách hàng cần chú ý là chính sách thu đổi.
Mặc dù đây là sản phẩm cao cấp nhưng hiện nay chỉ các cửa hàng chi nhánh của các công ty kim hoàn lớn trong nước như SJC, PNJ, SBJ, Nguyễn Vũ… chịu thu đổi lại cho khách hàng, còn các thương hiệu kim cương quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam thường từ chối thu đổi.
Bình luận (0)