Bún cua lúc ấy cũng đơn giản, chỉ có nước dùng, bún, chanh, ớt và ít rau ăn kèm. Chị Chi thử kết hợp với chả giò, chả chua, bì heo chiên giòn, thêm măng tươi nấu trong nước dùng, khách ăn thấy lạ miệng khen ngon, ăn thêm một hai lần nữa thì trở nên “ghiền” lúc nào không hay.
Bún mắm cua không phải là món dễ ăn ngay lần đầu thưởng thức. Mùi rất… khó ngửi, vị rất… khó ăn nhưng khi đã ăn được rồi thì rất khó… bỏ.
Nguyên liệu để chế biến món “lạ miệng” này gồm: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm hoặc bánh tráng, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm…
Khâu chế biến quan trọng nhất là nước dùng. Cua đồng mua về, rửa nhiều lần cho sạch, sau đó rửa bằng nước nóng (để cua tiết hết nước khai), tách mai cua, giã nhuyễn, lọc lấy nước. Nước ấy đựng trong một cái xoong sạch, thêm chút muối, ủ kín qua đêm cho lên men chua, sáng hôm sau thì nấu. Thịt ba chỉ xào săn lại, rồi cho nước cua đã ủ vào, khi nước bắt đầu sôi thì cho măng xắt mỏng vào, thời gian đun càng lâu mắm càng thấm sẽ càng ngon.
Khi ăn, cho một chút bún vào tô, chan nước dùng vào kèm theo măng và ba chỉ, thêm da heo chiên giòn, ớt, mắm nêm. Tùy theo ý thích mỗi người mà có thể thêm chả lụa và nem ăn kèm với rau sống (xà lách, húng thơm, ngổ, quế, giá và bắp chuối xắt mịn), ớt bằm xào dầu điều, vắt thêm một lát chanh để điều hòa vị nước dùng thanh hơn. Bát bún mắm cua dậy mùi nồng đặc trưng của nước lọc cua lên men, vị mằn mặn của mắm cái, vị the của các loại rau ăn kèm, vị cay của ớt, vị bùi giòn rụm của da heo, vị béo của chả giò, vị chua của nem… tất cả đã tạo nên một món ăn rất hấp dẫn đầy lôi cuốn.
Bạn cứ thả bộ trên những con dốc thoai thoải, ngắm phố núi trong một buổi chiều se lạnh rồi ghé vào chợ Nhỏ ăn một bát bún cua để thấy Pleiku không chỉ có “em” mới dễ thương như lời thơ của Vũ Hữu Định từng thốt lên…
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập website: chiecthiavang.com.
Bình luận (0)