Đó là thông tin tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá ngành y tế năm 2013, triển khai Nghị định 176/2013/NĐ-CP và hưởng ứng tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá năm 2014, vừa được Sở Y tế TP HCM tổ chức.
Theo báo cáo, trên thế giới mỗi năm có gần 6 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, trong đó có hơn 600.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động (người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc của người khác). Nếu không có biện pháp hành động kịp thời, con số tử vong do nạn dịch thuốc lá sẽ tăng lên trên 8 triệu người vào năm 2030. Hơn 80% các trường hợp tử vong do thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Để giảm tỉ lệ hút thuốc lá, cơ quan chức năng cần phải tăng thuế đối với mặt hàng này. Theo tính toán từ các tổ chức thế giới, tăng thuế thuốc lá sao cho giá thuốc tăng thêm 10%, sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở các nước có thu nhập thấp, trung bình. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt này được xem là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả và chi phí thấp nhất.
Tỉ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ. Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp nhất so với các nước trong khu vực. Được biết mức thuế này ở Brunei là 82%, Thái Lan 70%, Singapore 71%, Malaysia 57%, Philippines 53%, Indonesia 51%, Lào 43% (còn so với các nước khác như Pháp là 80%, Đức 73%, Úc 60%).
Tại Việt Nam tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá đang tăng và độ tuổi hút thuốc ngày càng trẻ. Có đến 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người có hút thuốc lá. Tình trạng hút thuốc lá trong học sinh (từ 13-15 tuổi) cũng đáng báo động. Giá thuốc lá tại Việt Nam khá rẻ, đây là điều kiện cho thanh thiếu niên nhanh chóng trở thành người hút. Vì vậy việc tăng thuế cũng là biện pháp để hạn chế đối tượng này hút thuốc lá.
Để đạt được mục tiêu quốc gia là giảm khoảng 8% tỉ lệ hút thuốc lá đến năm 2020 thì mức thuế tiêu thụ đặc biệt này cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018, lên 155% vào năm 2020. Nếu thực hiện được lộ trình trên sẽ giúp tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm còn 39% vào năm 2020. Số người hút thuốc lá sẽ giảm từ 15,3 triệu xuống còn 13,1 triệu người và cứu sống khoảng 726.000 người. Tổng doanh thu thuế đối với thuốc lá tăng lên 27.690 tỉ đồng vào năm 2015, 2018 lên 42.794 tỉ đồng (tăng thêm 24.169 tỉ đồng so với 2014).
Theo báo cáo, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030. Được biết xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm ngày càng giảm thì các bệnh không lây nhiễm lại gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, trong đó hầu hết là các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Các bệnh đó là ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới. Gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Tại Bệnh viện K cho thấy tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, tỉ lệ ung thư phổi không hút thuốc chỉ chiếm 3,2%.
Chưa kể, người dân Viêt Nam phải chi số tiền rất lớn liên quan đến thuốc lá, trong đó có khoảng 22.000 tỉ đồng cho việc mua thuốc lá; hơn 23.000 tỉ đồng dùng để điều trị, chi phí do mất khả năng lao động do ốm đau và tử vong.
Bình luận (0)