Khóa học là một sáng kiến mới của Hội đồng Anh, với mô hình tư vấn thực tế gắn liền sau đào tạo tập trung. Sau khi khóa học kết thúc, các chuyên gia sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về cách thức phát triển sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là cơ hội mở rộng thị trường tại Vương quốc Anh và châu Âu.
Trưởng bộ phận hỗ trợ kinh doanh từ Cockpit Arts, ông David Crump, phân tích về bốn con đường chính cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, bao gồm: bán lẻ, bán buôn, sản xuất theo đơn đặt hàng và thiết kế theo đơn đặt hàng. Trong nội dung về nhu cầu và quan điểm từ phía người mua hàng, ông David Crump đặc biệt nhấn mạnh vai trò của một “trang web thân thiện” đối với quyết định mua hàng. Còn ông Madeleine Furness, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Cockpit Arts, thông tin về dự đoán xu hướng. Theo đó, các trang thông tin trực tuyến, các tổ chức dự báo xu hướng, sự luân chuyển của xu hướng và các cách thức phát hiện và dự báo xu hướng mới trong thời gian tới.
Bà Cherry Gough, Giám đốc quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam, cho rằng tại Vương quốc Anh, công nghiệp sáng tạo là một trong những ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế và cam kết hỗ trợ ngành thiết kế và thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Chương trình này kết nối giữa nhà thiết kế và các công ty để các bên hợp tác và sau đó sẽ được các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh tư vấn trong vòng 6 tháng. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo và 6 tháng tư vấn, Hội đồng Anh và HAWA sẽ lựa chọn các công ty tiếp tục tham gia vào dự án Design Connect - Kết nối với các nhà thiết kế trẻ đến từ Vương quốc Anh và chuyến tham quan, quảng bá sản phẩm tại London trong năm 2015-2016.
Đây là lần thứ hai Cockpit Arts đến Việt Nam theo hợp tác với Hội đồng Anh. Trước đó, vào tháng 3-2014, chuyên gia Cockpit Arts đã tham gia giảng dạy khóa đào tạo về thiết kế sáng tạo trong ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất, do Hội đồng Anh phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.
Bình luận (0)