Theo GS-TSKH Nguyễn Minh Thọ (Trưởng Phòng Thí nghiệm hóa học lượng tử của Trường Đại học Ku Leuven và là GS danh dự của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), khoa học máy tính là một ngành khoa học nghiên cứu việc xử lý thông tin trên máy tính và ứng dụng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Đây là một quá trình nghiên cứu về tính khả thi, cấu trúc dữ liệu, thuật toán để xử lý thông tin bằng máy tính. Một trong những cống hiến lớn nhất của ngành này là làm mồi lửa cho cuộc cách mạng kỹ thuật số, dẫn đến thời đại thông tin và internet hiện nay.
Cuộc đua về cạnh tranh siêu máy tính vẫn đang diễn ra trên thế giới. Cuối năm 2010, Trung Quốc cho ra đời siêu máy tính Thiên Hà - 1A, với tốc độ 2,507 petaflops. Nửa năm sau, máy tính Kein của Nhật được đầu tư hơn 1 tỉ USD, đạt tốc độ 10,51 petaflops, tức nhanh gấp 4 lần Thiên Hà. Tuy nhiên, sau một năm, Bộ Năng lượng Mỹ cho ra đời máy tính IBM Sequoia có tốc độ 16,32 petaflops. Chưa hết, gần đây, máy tính Titan của hãng Cray chế tạo tại phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Oak Ridge đạt tốc độ 17,59 petaflops.
Việc dùng máy tính mạnh để giải quyết các bài toán khoa học cũng đã có ở Việt Nam. Từ năm 1967, với máy tính MINSK 22; ODRA 1304; MINSK 32; IBM 360-20, 30, 40, 50 để dự báo thời tiết, thăm dò địa chất, tính dòng chảy sông ngòi. Những máy tính trên với công suất thấp so với máy tính loại nhỏ hiện nay. Thực trạng là công nghệ thông tin bị chi phối bởi các máy tính cá nhân và internet. Trong quá trình phát triển vẫn còn thiếu nhiều thế hệ máy tính như các trạm làm việc, các hệ máy tính mini, các hệ máy chùm, các siêu máy tính để giải quyết các vấn đề khoa học và kỹ thuật trong các trường đại học và viện nghiên cứu.
Ông Thọ cho rằng khoa học và kỹ thuật tính toán (KH&KTTT) có vai trò rất lớn trong phát triển đất nước. Phát triển KH&KTTT thành công hay thất bại là tùy thuộc vào con người từ những nhà quản lý cấp cao đến những người trực tiếp thực hiện việc tính toán. Cần phải nhận thức sâu sắc về KH&KTTT là chìa khóa giải quyết các bài toán lớn về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng. Đây là việc làm cấp bách, nhất là yếu tố con người để biết ứng dụng nó vào mục đích gì và ai làm. Phải bắt đầu bằng việc đào tạo nhân lực, vì đây là yếu tố quan trọng cho phát triển KH&KTTT.
Trước mắt nên xây dựng các trung tâm KH&KTTT ở các cơ sở khoa học, giáo dục. Không nên đầu tư máy lớn hơn nhu cầu sử dụng vì giá máy giảm rất nhanh. Cần hợp tác để liên kết với các trung tâm trong KH&KTTT thành các mạng máy tính để nâng cao sức mạnh tính toán chung. Cần tận dụng tốt hợp tác quốc tế để chia sẻ máy tính lớn của họ cho nhu cầu sử dụng trong nước để tránh lãng phí.
Để định hướng cho từng đơn vị, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐHQG TP HCM đã tổ chức điều tra thực trạng và nhu cầu tính toán hiệu năng cao tại các đơn vị cơ sở của họ. Các cấp quản lý nhà nước, cơ sở nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp lớn cần có cái nhìn đúng đắn về KH&KTTT. Từ đó có chính sách, đầu tư kinh phí và hành động cho những dự án liên ngành để hướng đến các vấn đề lớn.
Bình luận (0)