Tham gia hội nghị còn có các phó thủ tướng, các bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước; thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn và vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch EuroCham, bà Nicola Connolly, cho biết cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với đại diện hơn 750 doanh nghiệp thành viên của EuroCham và hơn 150.000 lao động tại Việt Nam. Bà Connolly đề cập đến sự bắt đầu mới của EuroCham và sự sẵn sàng từ phía EuroCham trong việc tiếp tục tăng cường sự hợp tác với Chính phủ Việt Nam theo cách cởi mở và minh bạch nhằm đem lại lợi ích cho các đối tác tại Việt Nam, cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bà Connolly chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có những kết quả tích cực và kế hoạch chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như kiềm chế lạm phát, tăng cường sự mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, hiện thực hóa nhu cầu về các tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo cao hơn nhằm cải thiện thị trường lao động.
Bà Connolly còn đề cập đến kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham hằng quý đã thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng tại ASEAN và lòng tin về thực hiện kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện trong quý vừa qua. Bà cũng nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục các nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam thông qua việc tạo một sân chơi bình đẳng, khuyến khích nhiều đầu tư nước ngoài hơn nữa vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu còn kiến nghị về việc tăng vốn. Theo đó, các ngân hàng cần tìm kiếm các giải pháp khác nhau để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nên đặt ra lộ trình rõ ràng cho các ngân hàng trong trường hợp sáp nhập hoặc giải thể. Thông báo lộ trình và theo đúng lộ trình. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định trong hơn 2 năm, việc giải quyết những thách thức của ngành ngân hàng là rất quan trọng và các ngân hàng cần thông báo kế hoạch thực hiện việc này rộng rãi tới cộng đồng nhà đầu tư.
Vấn đề an toàn thực phẩm cũng được đề cập, tác động của nó đến nền kinh tế và sức khỏe của người dân. Điều này cũng ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường. Cấu trúc hiện tại đang gây khó khăn cho việc hoạt động hiệu quả và nhanh chóng khi hiện có quá nhiều đơn vị tham gia và các quá trình chưa được hài hòa. Những lợi ích tiềm năng cần cải thiện và nâng cao uy tín của sản phẩm Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Giảm chi phí cho các công ty và cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thúc đẩy việc cưỡng chế các hành vi vi phạm một cách đơn giản và minh bạch. Bước đầu cần tổ chức thảo luận bàn tròn với các bộ, ngành liên quan về cách thức thiết lập một cơ quan an toàn thực phẩm dưới một bộ.
Về quyền sở hữu trí tuệ còn bất cập trong việc thu hồi tên miền “.vn”. Khi giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến sở hữu trí tuệ, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thể áp dụng biện pháp thu hồi tên miền bị tranh chấp và có quyền yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC thu hồi tên miền. Cơ quan chủ quản cần làm rõ vấn đề này cho VNNIC để áp dụng đúng pháp luật. Chi phí kết nối internet tốc độ cao tại Việt Nam cao hơn 400% so với các nước trong khu vực. Cộng đồng doanh nghiệp cần sự minh bạch để hiểu “tại sao” có mức phí quá cao. Chi phí cao này là gánh nặng cho các tổ chức và cũng là trở ngại đối với một số nhà đầu tư nước ngoài. Được biết một công ty của Đức đã chọn Thái Lan thay vì Việt Nam hoàn toàn do chi phí internet cao tại Việt Nam.
Việc khấu trừ thuế cho chi phí quảng cáo, khuyến mãi còn rất nhiều hạn chế, có khả năng dẫn đến các mức thuế suất cao áp dụng cho các thành viên EuroCham và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn phát triển thương hiệu và tăng thị phần. Việc tăng dần các mức thuế trong những năm qua, gần đây nhất là 15%, được đánh giá cao và chúng tôi tin rằng bây giờ là thời điểm các chi phí này được công nhận là chi phí kinh doanh bình thường. Do đó, tất cả những hạn chế trong việc khấu trừ phải được dỡ bỏ. Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư từ châu Âu và các quốc gia khác tăng định lượng và quy mô các khoản đầu tư vào Việt Nam. Giúp công ty mới trong nước được hưởng lợi khi họ đấu tranh để mở rộng kinh doanh trong thời điểm khó khăn.
Bình luận (0)