Tại cuộc họp HĐND TP HCM tháng 7 vừa qua, lãnh đạo TP HCM tuyên bố: Sắp tới, TP sẽ hạn chế và tiến tới chấm dứt hoạt động của Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) vì đã nhiều năm gây ô nhiễm môi trường và chuyển rác về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) để xử lý.
Vì bảo vệ môi trường
Trở lại ấp Trại Đèn và Mũi Cồn Tiểu thuộc xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi vào ngày 6-8, ghé vào một quán nước ven đường gần Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi), trong khoảng 10 phút, chúng tôi đã thấy ruồi bu quanh dày đặc. Sợ quá, chúng tôi uống vội nước trái dừa rồi lên xe. Vào trong xe, chúng tôi lại phải xua đuổi ruồi một lúc mới hết. Bà Nguyễn Thị Dung, ở ấp Mũi Cồn Tiểu, cho biết thỉnh thoảng họ cho xịt thuốc diệt ruồi cả khu nhưng sau đó ruồi lại xuất hiện. Hơn 800 hộ dân của ấp Trại Đèn và Mũi Cồn Tiểu đã nhiều năm nay quen sống chung với mùi hôi thối và ruồi từ bãi rác Phước Hiệp. Người dân đã kiến nghị rất nhiều năm, nhiều đoàn cán bộ của huyện, TP đi khảo sát và xác nhận bãi rác Phước Hiệp thường bốc mùi hôi rất dữ dội và nhiều lần bị sạt lở.
Một hộ dân ở ấp Mũi Cồn Tiểu phải chịu đựng sự ô nhiễm từ bãi rác Phước Hiệp trong nhiều năm
Nguyên nhân, theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp có 3 bãi rác nhưng ngay từ đầu không được đầu tư đồng bộ, công nghệ lạc hậu nên thường xảy ra sự cố lún sụt, gây hôi thối dữ dội. Theo chỉ đạo của TP, cuối năm 2014 sẽ chấm dứt việc tiếp nhận rác tại Phước Hiệp nhằm khắc phục sự cố và bảo vệ môi trường.
Chủ trương đúng đắn của TP HCM
Hiện nay, cả nước có 458 bãi rác nhưng mới có 26 bãi rác bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Theo quy hoạch, TP HCM có 2 khu xử lý rác là Phước Hiệp và Đa Phước. Tuy nhiên, sau khi tính toán về tổng sơ đồ cũng như chiến lược phát triển của TP HCM sau năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thì TP sẽ hợp tác với tỉnh lân cận tìm khu đất rộng lớn để xây dựng một khu liên hợp xử lý rác quy mô lớn và hiện đại hơn. Cụ thể là TP HCM liên kết với tỉnh Long An để xây dựng một khu liên hợp tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Tuy nhiên, trong quá trình tiến tới xây dựng khu liên hợp ở Long An, từ nay đến năm 2020, TP HCM chủ trương hạn chế và tiến tới chấm dứt hoạt động Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Song để thực hiện cần có lộ trình chuyển toàn bộ khối lượng rác tại Phước Hiệp về Đa Phước để xử lý. Khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước bảo đảm được các tiêu chuẩn xử lý rác cao nhất Việt Nam hiện nay, đã được lãnh đạo trung ương và TP HCM khảo sát và đánh giá cao. Qua đó cho thấy việc chấm dứt hoạt động Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp và chuyển lượng rác về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nhằm bảo đảm môi trường là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo TP HCM.
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, TP giao cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP HCM lập đề án chuyển đổi lao động và một số vấn đề khác có liên quan để chấm dứt ô nhiễm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Trong khi đó, phía VWS cho biết họ cam kết sẵn sàng tiếp nhận số lao động này về làm việc tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Lãnh đạo TP cũng đã phân công cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức phân luồng giao thông, nghiên cứu tận dụng giao thông đường thủy để chuyển rác về Đa Phước tránh gây ùn tắc giao thông.
Bình luận (0)