Tuy nhiên, 1 - 2 tuần qua, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long quay đầu tăng mạnh. Cá tra nguyên liệu về đến nhà máy không phân biệt chất lượng đã tăng lên 26.500-27.000 đồng/kg nhưng nguồn cung cấp hạn chế nên không có đủ hàng cho các nhà máy. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mức giá này người nuôi đã có lãi ít nhất 2.500 đồng/kg.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ tháng 3 đến tháng 6, tình hình nguyên liệu cá tra Việt Nam sẽ trở nên căng thẳng. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng trong tháng 3 này đã giảm tới 30%, còn nếu tính cả năm 2014, sụt giảm 50%, tương đương còn khoảng 700.000 tấn so với 1,4 triệu tấn của năm ngoái. Với tình hình như hiện nay, nông dân không phải lo đến thị trường đầu ra, đồng thời, những doanh nghiệp đã ký bán trước đây ở mức bán thấp sẽ gặp khó khăn do không thể mua được nguyên liệu giá thấp. Trong khi sản lượng nuôi của họ cũng đã giảm trên 70%.
Theo hiệp hội, từ đầu tháng 3 đến nay, xuất khẩu cá tra tại nhiều thị trường đều khởi sắc, đặc biệt là Mỹ. Hội chợ Thủy sản quốc tế (Boston) Mỹ khai mạc từ tuần trước đã thu hút nhiều khách hàng tìm hiểu cá tra. Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khác với mọi năm, giá xuất khẩu cá tra đã không giảm khi hội chợ diễn ra mà lại tăng 10% ngay tại thị trường Mỹ. Thông thường mọi năm, khi gần đến ngày hội chợ thủy sản diễn ra thì các doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá để giành khách hàng, năm nay nguyên liệu sụt giảm nên không còn xảy ra tình trạng trên.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua, do tình hình thời tiết lạnh ở bờ Đông nước Mỹ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nuôi trồng ngành cá da trơn ở khu vực (ước tính thiệt hại 30%), người tiêu dùng Mỹ đang phải mua cá giá cao. Đây là cơ hội cho sản phẩm cá tra Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường này.
Bình luận (0)