Hội thảo chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng bắp, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tại Tiền Giang. Tại hội thảo, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo phương hướng hành động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường để hạn chế rủi ro, bền vững hóa chuỗi sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân đã được công bố.
Chuyển đổi 112.000 ha
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong năm qua, đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi thành công trên 87.000 ha đất lúa sang trồng bắp, đỗ tương, mè, thanh long, dưa hấu... cho kết quả tốt. Trong giai đoạn 2013-2015, dự kiến chuyển đổi 112.000 ha đất lúa sang các cây trồng khác, chủ yếu là bắp, rau dưa, luân canh lúa - thủy sản. Mô hình liên kết canh tác và thu mua bắp lai năng suất cao do Công ty Dekalb phối hợp cùng các đơn vị thu mua nông sản bảo đảm chuỗi đầu ra bền vững cho nông dân.
Tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, Công ty Dekalb cùng Phòng Nông nghiệp huyện và nông dân xuống giống bắp chuyển đổi và được đơn vị thu mua ký hợp đồng chốt giá sàn. Ngay khi ruộng bắp thu hoạch, doanh nghiệp cam kết thu mua cho bà con nông dân theo giá thị trường. Tuy nhiên, khi giá thị trường tụt thấp hơn giá sàn cam kết, bà con sẽ được hưởng mức giá tối thiểu là 3.250 đồng/kg bắp tươi.
Theo ông Lê Hoàng Quốc, một nông dân ở huyện Giang Thành, chuyển 3 ha đất lúa sang trồng bắp cho năng suất cao 9 tấn hạt khô/ha. Với giá trên, thu về ít nhất 36 triệu đồng/ha, so với lúa lãi hơn 10 triệu đồng. Còn theo ông Phạm Văn Beo, một nông dân ở huyện này, trước đây mỗi hecta lúa hè thu lỗ 7,5 triệu đồng, nay trồng bắp lãi cả chục triệu đồng.
Quyết liệt hơn
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng hiệu quả chuyển đổi đã thấy rõ hiện tại là làm thế nào để thực hiện chủ trương đó giúp nông dân nâng cao thu nhập bền vững thay vì chạy theo thành tích sản xuất lúa, đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn. Vướng mắc là tâm lý nông dân còn nặng tình với cây lúa. Thực tế đã chứng minh các giống bắp cho năng suất 9-11 tấn ngô khô/ha. Thị trường tiêu thụ lại có ngay ở trong nước. Hiện chỉ mới sản xuất được 5,2 triệu tấn bắp, còn thiếu 2-3 triệu tấn phải nhập khẩu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát còn chỉ đạo Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam và Công ty Monsanto gấp rút làm rõ gói kỹ thuật đối với từng cây và nhanh chóng phổ biến cho nông dân. Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chuyển đổi trong 3 vụ sắp tới. Các tỉnh chủ động khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho kịp vụ mùa. Chủ động liên kết doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi.
Ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc bán hàng khu vực miền Nam Công ty Dekalb, cho biết để bền vững hóa chuỗi canh tác và bảo đảm đầu ra cho nông dân, cần liên kết các đơn vị thu mua ký cam kết thu mua cho nông dân. Monsanto đã tài trợ 2 máy làm đất và 2 máy gieo hạt, 15 máng ủi đất, tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi giúp tiết kiệm được hơn 30 tỉ đồng.
Công ty Bunge có kế hoạch làm việc với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho chuyển đổi. Nghiên cứu khả năng xây dựng các trung tâm thu mua tại đồng bằng sông Cửu Long với đầy đủ hệ thống sấy và kho lưu trữ.
Bình luận (0)