Đến quý III này, dự án đã phân phối gần 6,9 triệu cây giống cà phê cho nông dân, tăng gấp 91 lần so với lúc triển khai chương trình vào năm 2011 (76.000 cây), 2012 (786.000 cây), 2013 (2.060.000 cây), 2014 (4.000.120 cây). Số nông dân nhận được cây giống trong thời gian này cũng tăng từ khoảng 300 người lên trên 19.000 người. Ngoài ra, chương trình cũng tác động tích cực đến việc cung ứng trên 16 tấn hạt giống tốt, chất lượng cao của WASI để bà con nông dân tự ươm giống, phục vụ tái canh trên diện tích cà phê già cỗi. Bên cạnh đó, cũng đã có khoảng 21.000 nông dân được tập huấn kỹ thuật dựa trên nền tảng của bộ quy tắc quốc tế 4C sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững.
Những năm gần đây, vấn đề cây cà phê già cỗi ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các tỉnh Tây nguyên vì năng suất cây cà phê già bị sụt giảm tới 50%. Diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi nay đã chiếm hơn 20% trên toàn Tây nguyên, nâng diện tích phải trồng mới trong 10 năm tới khoảng 140.000-150.000 ha. Trong khi đó, việc trồng lại cây con không hề đơn giản vì cây con dễ bị tuyến trùng tấn công, có trường hợp tỉ lệ chết lên đến 50%. Đây cũng là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua, đe dọa nghiêm trọng đến tính bền vững của một ngành xuất khẩu chủ lực và khiến nông dân phải chứng kiến năng suất vườn cà phê của mình xuống dốc qua từng năm.
Việc lai tạo những giống cà phê mới với năng suất cao, kháng chịu sâu bệnh tốt đã được WASI tiến hành từ nhiều năm qua và đã tạo ra những giống cà phê mới chất lượng cao. Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI, cho biết dự án đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của việc trồng lại cây cà phê. Việc tập huấn cho nông dân về canh tác bền vững và bảo đảm năng suất nhờ vào việc nâng cấp phòng thí nghiệm, thiết bị nhân giống cấy mô, xây dựng khu vực thí nghiệm trồng cây cà phê kháng tuyến trùng. Chương trình này giúp cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên đến 7 tấn/ha, tăng gần gấp đôi năng suất trung bình hiện nay.
Dự án còn tập huấn kỹ thuật, cung cấp kiến thức chuyên môn canh tác cà phê bền vững, tập huấn về thu hoạch và sau thu hoạch, tưới tiết kiệm, làm phân vi sinh từ vỏ cà phê. Áp dụng dự án này nông dân không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước. Với phương pháp tưới tiết kiệm nước, giúp nông dân tiết kiệm nước tưới từ 700 lít/cây xuống còn 400 lít/cây.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2014, dự án sẽ chuyển giao khoảng 7 triệu cây giống và tổ chức tập huấn cho 24.000 nông dân trồng cà phê tại những vùng trồng cà phê trọng điểm tại 5 tỉnh Tây nguyên.
Bình luận (0)