Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cùng Cục Trồng trọt, Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và Nghề muối, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và 13 sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đồng bằng sông Cửu Long vừa ký kết về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các cơ quan liên quan có nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện từ vụ đông xuân 2013-2014.
Trách nhiệm cụ thể
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh Đồng Tháp Ảnh: NGỌC TRINH
Cục Trồng trọt chỉ đạo, kiểm tra các quy trình sản xuất và định hướng sản xuất, phối hợp với VFA và các sở NN-PTNT xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu. Các sở NN-PTNT đề xuất quy hoạch và xác định vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết nông dân, phát triển các hình thức hợp tác, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xác định các giống lúa và khả năng cung ứng trong vùng nguyên liệu.
Quyết liệt
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng việc liên kết cánh đồng mẫu là hướng đi đúng và điều cần nhất hiện nay là nối kết với thị trường. Có nhiều mô hình liên kết cần sắp xếp lại để có hiệu quả, gắn kết các đơn vị liên quan cho thông suốt. Lâu nay rất khó liên kết với nông dân nên phải tìm cách để nông dân cùng tham gia. Có như vậy mới đạt được mục tiêu xây dựng từ 1-1,2 triệu ha cánh đồng mẫu lớn đến năm 2020.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết để liên kết sớm thành công, cần có thông tư hướng dẫn thực hiện xuyên suốt. Còn theo ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, thời gian qua, doanh nghiệp thu mua lúa còn thiếu cán bộ kỹ thuật cũng như lúng túng khi thực hiện mô hình trên. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, doanh nghiệp còn ngại do đầu tư lớn.
Về việc xác định liên kết xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho xuất khẩu, quy mô từ 500 - 1.000 ha, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng tiến trình phân chia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu giữa doanh nghiệp và các địa phương cần minh bạch, đồng thời hoàn thiện các mối liên kết hỗ trợ nông dân trong chuỗi cung ứng phù hợp.
Cánh đồng mẫu lớn có hơn 1 triệu ha
Cánh đồng mẫu lớn được triển khai tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô diện tích đến năm 2014 sẽ có 40.000 ha, năm 2015 là 100.000 ha, năm 2016 lên 200.000 ha, năm 2017 là 400.000 ha, năm 2018 đạt 600.000 ha, năm 2019 lên 800.000 ha và năm 2020 đạt hơn 1 triệu ha. |
Bình luận (0)