Theo Bộ Tài chính, để khuyến khích sản xuất, chế biến thủy sản sử dụng nguyên liệu trong nước, các loại nguyên liệu có thế mạnh trong nước mà doanh nghiệp vẫn nhập khẩu sẽ chịu mức thuế nhập khẩu tăng, còn các loại nguyên liệu trong nước không có thế mạnh sẽ được giữ nguyên biểu thuế. Theo đó, các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, chế phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước không nuôi, không sản xuất được sẽ được giữ nguyên mức thuế suất.
Đối với các mặt hàng nguyên liệu sản xuất nhiều trong nước mà nhập khẩu sẽ bị tăng thuế từ 2%-3%, dự kiến mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng cá thu sẽ tăng từ 12% lên 13%, tôm hùm đá từ 10% lên 15%, cua ghẹ vỏ mềm tăng từ 0% lên 3%, tôm sú và tôm chân trắng, tôm càng xanh tăng từ 10% lên 12%. Mặt hàng hàu (mã HS 03071910), sò điệp (03072910), trai, sò sống, đông lạnh (mã HS 030771-9110) tăng từ 0% lên 3%, bạch tuộc đông lạnh (mã HS 03075910) từ 10% lên 15% trong năm 2014.
Bộ Tài chính cũng đã tiến hành rà soát 3.425 dòng thuế liên quan. Qua đó, dự kiến giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu của 2.963 dòng thuế là nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được. Đây là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, chế phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước không nuôi trồng được hoặc nuôi trồng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Trong đó có khoáng sản tài nguyên thô cần khuyến khích nhập khẩu, hóa chất cơ bản trong nước chưa sản xuất được, máy móc thiết bị công nghệ kỹ thuật cao.
Trong tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 170 mã hàng hóa từ ngày 1-1-2014. Theo Bộ Tài chính, biểu thuế hiện hành có 9.556 dòng thuế. Thực hiện cam kết WTO năm 2014, có 393 dòng thuế thuộc diện cắt giảm, trong đó có 223 dòng thuế đã có mức thuế suất hiện hành năm 2013 thấp hơn hoặc bằng mức cam kết WTO năm 2014. Theo đề xuất này, trong năm tới sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nhiều mặt hàng thực phẩm như cá hồi vân (cá hồi nước ngọt), cá hồi Đại Tây Dương, cá trích (giảm từ 12% xuống còn 10%).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng thủy sản như cá thu, tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ... đã làm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Hiện các doanh nghiệp tôm đang thiếu nguyên liệu trầm trọng và sản xuất cầm chừng do không đủ nguyên liệu, tôm chết do dịch bệnh, sản lượng nuôi trồng thấp. Chưa kể thương lái đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc khiến nguồn tôm nguyên liệu trong nước thiếu hụt trầm trọng.
Nhiều loại thủy hải sản xuất khẩu giảm
Tình hình xuất khẩu thủy sản hiện nay vẫn còn ì ạch. Mười tháng đầu năm, xuất khẩu thủy hải sản giảm mạnh so với dự đoán của nhiều doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân lớn là thiếu nguyên liệu trong nước phục vụ hoạt động xuất khẩu. Tính đến giữa tháng 10, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm kỷ lục gần 16%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng giảm gần 5%. Xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác cũng giảm gần 12% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. |
Bình luận (0)