Xưa, xưa lắm, có người con gái Thái tên gọi là Ban, đem lòng yêu một chàng trai cùng bản tên Khum. Cha mẹ biết chuyện ngăn cách vì đã hứa gả nàng cho con nhà Phìa, nhà Tạo. Nhưng làm sao có thể chia cắt đôi trẻ đang yêu nhau tha thiết? Chàng trai buồn quá mà rời bản đi xa, nàng Ban hay tin lén trốn ra khỏi nhà đi tìm người yêu. Nhưng rừng sâu suối độc, lương thực có hạn, giữa đường nàng Ban kiệt sức gục xuống. Nơi nàng chết mọc lên một loài cây, mùa xuân về nở hoa kiều diễm. Người đời tưởng nhớ người con gái chung tình nọ mà đặt tên nàng cho hoa. Hoa ấy gọi là hoa Ban.
Hoa ban trở thành một biểu tượng đẹp về tình yêu đôi lứa của người Thái và khi xuân về trên khắp các sườn núi, trên cung đường Tây Bắc hoa ban trắng, hoa ban tím, hoa ban đỏ bật ra sự rực rỡ ngập tràn sức sống…
Người Tây Bắc bày hoa ban trên mâm cúng tiên tổ, rồi những người yêu nhau hái tặng cho nhau. Yêu hoa ban đến mức người Thái có hẳn Lễ hội Hoa ban. Hoa ban trở thành một “thành viên” đặc biệt của người Thái, để mỗi độ xuân về, núi rừng Tây Bắc ngoài màu xanh bất tận, điêp trùng đơn điệu kia thì ngời ngời sắc hoa ban sẽ là sự quyến rũ mà bất cứ ai cũng đắm say!
Nhưng hoa ban không chỉ để… ngắm… Hoa ban được người Thái nấu canh, xào cùng thịt heo hun khói và dùng làm món nộm hoa ban măng đắng.
Hoa ban có vị ngọt, bùi. Người con gái Thái chọn những bông hoa tươi, nhặt lấy cánh và nhụy hoa rửa sạch để làm các món ăn. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực dã độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông...
Nguyên liệu để chế biến món ăn nộm hoa ban măng đắng giống như tên gọi của món, gồm: Hoa ban và măng thêm con cá suối còn quẫy đuôi. Măng có thể là măng đắng hoặc măng nứa. Măng hái về, xắt nhỏ, ngâm nước muối chừng 1 giờ rồi đem luộc 2 lần cho ra hết nhựa. Hoa ban chọn cánh dày rửa sạch, để ráo. Cá suối nướng trên than củi cho chín rồi gỡ lấy thịt. Nước xốt để trộn món nộm măng được làm từ nước cốt chanh, tỏi, ớt giã nhuyễn, rau húng, rau mùi xắt nhỏ. Tất cả các nguyên liệu trên được trộn đều, nêm nếm gia vị cho vừa vặn. Món nộm có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi… thêm vị ngai ngái của núi rừng quyện lại với nhau tạo nên hương vị rất riêng, rất Tây Bắc...
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập website: chiecthiavang.com.
Bình luận (0)