Vừa thấy tôi dừng xe trước hàng mắt kính ở lề đường Điện Biên Phủ, quận 3 – TPHCM, một thanh niên trên tay cầm 4 cặp kính tiếp thị: “Chị muốn phong cách nào, cổ điển thì có Rayban; thời trang thì đeo Gucci; sang trọng thì chọn Salvatore Ferragamo; còn muốn sành điệu có ngay Dolce & Gabbana. Đừng băn khoăn về giá cả, chỉ 50.000 đồng/cặp thôi mà. Mua ba cặp chỉ 135.000 đồng”.
Kính mát bán tràn lan trên đường Trương Định, quận 3 - TPHCM. Ảnh: N.HỮU
Giá bèo khó tưởng nổi
Sau một hồi chọn lựa, tôi trả giá 35.000 đồng để mua cặp mắt kính hiệu Rayban. Nghe vậy, một người bên cạnh khều nhỏ: “Thấy chị sang nên họ nói thách đó chứ giá một cặp chỉ 30.000 đồng/thôi”.
Cặp mắt kính 35.000 đồng đã là giá quá bèo, tuy nhiên theo một đầu mối chuyên phân phối cho các hàng bán mắt kính lề đường thì giá thành của một cặp mắt kính tại làng chuyên sản xuất mắt kính giả cung ứng cho toàn quốc (làng Lịch Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chỉ có 6.800 đồng và giá bán sỉ là 15.000 đồng. Tròng kính, gọng kính, ốc vít, nhãn hiệu, máy phun xi... đều nhập từ Trung Quốc, người dân làng Lịch Động chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp như uốn gọng, mài tròng, siết ốc...
Tại đây cũng sản xuất hàng “cao cấp” bằng công nghệ bắn laser lên gọng kính, tròng kính với giá thành dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/cặp. Hàng được đưa về Hà Nội một phần và phần còn lại chuyển vào TPHCM với hai đầu mối chính ở chợ Kim Biên và một số nguồn chuyên phân phối cho hàng mắt kính lề đường.
Cao cấp kiểu “Made in Quảng Châu”
Đến một cửa hàng mắt kính trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3-TPHCM, tôi được người bán giới thiệu đây là cửa hàng liên kết với đối tác của Mỹ nên bán đúng giá niêm yết và bảo đảm rẻ hơn giá thị trường 50%, do đang là thời gian điểm giới thiệu sản phẩm.
Đang chần chừ khi thấy cặp mắt kính hiệu Fendi giá đến 3 triệu đồng thì chủ cửa hàng bước vào. Đó cũng chính là chủ một cửa hàng mắt kính ở quận 1 mà tôi đã quen. Anh này nói: “Thôi bán cho chị 700.000 đồng thôi, chỉ lời đúng 50.000 đồng”. Biết là người quen, nhân viên bán hàng ngượng nghịu tư vấn: “Hàng xách tay chứ không phải hàng giả đâu. Muốn kiểm tra dễ lắm, đặt kính trên tay thấy gọng nhẹ là hàng xịn còn gọng nặng là hàng giả”.
Các đơn vị phân phối mắt kính chính hãng cho rằng chính cách chỉ dẫn sai của nhân viên bán hàng đã làm người tiêu dùng tưởng nhầm cứ gọng kính nhẹ là hàng thật. Ông Trần Cường, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM Một Không Một (phân phối hơn 10 nhãn hiệu mắt kính tại VN), cho biết không phải tất cả gọng kính nhẹ đều là hàng thật, ngược lại không phải tất cả gọng kính nặng đều là hàng giả mà tùy theo chất liệu gọng sẽ làm cho gọng nhẹ hoặc nặng.
Hàng chính hãng đều được kiểm định chính xác từng chi tiết để khi đeo lên mắt kính vẫn nhẹ và cân đối. Cách phân biệt duy nhất là hàng thật được dán tem của Bộ Công an cùng với dịch vụ hậu mãi tốt, bảo trì bất cứ khi nào có sự cố.
Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu mắt kính tại TPHCM phân tích: Hiện ở VN chỉ có khoảng chục công ty chuyên nhập khẩu và phân phối chính thức mặt hàng mắt kính nhưng cũng chỉ chiếm 10% thị phần, số còn lại đều là hàng trôi nổi nhái các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng là hàng “made in Quảng Châu”.
Giới kinh doanh thường gọi là hàng fake 1 hoặc fake 2, nghĩa là hàng nhái chất lượng cao, trong đó hàng fake 1 có mức độ tinh xảo, giống từng chi tiết so với hàng thật. Mắt kính fake 1 bán tại Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/cặp, khi có mặt tại các cửa hàng mắt kính lớn ở Hà Nội và TPHCM thì giá không dưới 1 triệu đồng/cặp.
Theo giới am hiểu thị trường, mặt bằng kinh doanh mắt kính thường có diện tích lớn với giá thuê rất đắt (từ khoảng 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng) nhưng đa số vẫn “sống khỏe”. Chỉ cần thuê bằng của bác sĩ nhãn khoa, sắm máy đo điện tử, trang thiết bị lắp ráp tròng, uốn gọng, lấy hàng fake... với vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng, 6 tháng sau đã lấy được vốn. Chính vì vậy mới có tình trạng cửa hàng mắt kính liên tục nảy nở như nấm mọc sau mưa!
Khó kiểm tra, xử lý!
|
Bình luận (0)